Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành lần đầu tiên vào năm 2005 theo Luật số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005, và được sửa đổi, bổ sung vào năm 2009 (Luật số 36/2009/QH12) và năm 2019 (Luật số 42/2019/QH14). Trong hơn 15 năm áp dụng văn bản này đã bộc lộ một số bất cập, cùng với việc cần phải bảo đảm thi hành các cam kết về SHTT trong các Hiệp định thương mại tự do và Việt Nam đã và sẽ tham gia, một dự thảo Luật sửa đổi mới đã được xây dựng.
Đối với đối tượng quyền là Nhãn hiệu, dự thảo Luật sửa đổi đề xuất một số sửa đổi quan trọng trong Quy trình thẩm định Nhãn hiệu như sau:
-
Rút ngắn khoảng thời gian quy định một nhãn hiệu đã hết hạn hiệu lực vẫn được đưa ra làm đối chứng để từ chối một đơn đăng ký nhãn hiệu sau, cụ thể là từ 05 năm kể từ ngày nhãn hiệu đối chứng hết hiệu lực (theo Điều 74.2h Luật SHTT hiện hành) thành 03 năm (theo dự thảo Luật sửa đổi).
Quy định này sẽ giúp giảm thời gian chờ đối với một nhãn hiệu nộp đơn sau mà tương tự với một nhãn hiệu đã hết hiệu lực, giúp chủ nhãn hiệu nộp đơn sau có cơ hội được xác lập quyền sớm hơn, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đưa sản phẩm mang nhãn hiệu ra thị trường kịp thời hơn. Đề xuất sửa đổi này cũng phù hợp với xu thế quốc tế hiện nay.
-
Xác định rõ nguyên tắc đơn được đánh giá điều kiện tại thời điểm nộp đơn hoặc ngày ưu tiên (nếu có), nghĩa là tình trạng pháp lý của Nhãn hiệu đối chứng sẽ được xem xét tại thời điểm nộp đơn của Nhãn hiệu xin đăng ký, không phụ thuộc vào thời điểm mà Nhãn hiệu xin đăng ký được thẩm định tại Cục Sở hữu trí tuệ (Điều 74.2);
-
Đề xuất bổ sung quy định mới về việc Tạm dừng quy trình thẩm định đơn trong trường hợp Người nộp đơn nộp đề nghị tạm dừng thẩm định đơn và nộp yêu cầu chấm dứt hiệu lực đăng ký nhãn hiệu theo trường hợp loại trừ được quy định tại Điều 74.2h của Luật này (Điều 117);
Cụ thể, trong trường hợp Nhãn hiệu xin đăng ký bị từ chối bởi một Nhãn hiệu được đăng ký trước của người khác, nếu Người nộp đơn sau chứng minh được rằng Nhãn hiệu đối chứng đã không được sử dụng 5 năm liên tục tính từ ngày nộp yêu cầu chấm dứt hiệu lực, thì khi nhận được thông báo dự định từ chối, người nộp đơn sau có thể yêu cầu Cục SHTT tạm dừng việc xử lý đơn để theo đuổi thủ tục chấm dứt hiệu lực của Nhãn hiệu đối chứng. Quy định này phù hợp với thực tiễn bởi vì thủ tục yêu cầu chấm dứt hiệu lực đăng ký nhãn hiệu thường sẽ cần nhiều thời gian hơn so với thời hạn quy định thẩm định lại, và thời gian tiến hành thủ tục chấm dứt hiệu lực sẽ không tính vào thời hạn thẩm định lại của đơn nộp sau.
-
Trong trường hợp yêu cầu chấm dứt hiệu lực một Nhãn hiệu đối chứng thành công, Cục SHTT sẽ ra quyết định chấm dứt hiệu lực Nhãn hiệu đối chứng, rút Nhãn hiệu này ra khỏi tài liệu đối chứng và cấp văn bằng bảo hộ đối với Nhãn hiệu của Người nộp đơn sau.
Một số thay đổi quan trọng của Dự thảo Luật liên quan đến Quyền tác giả và quyền liên quan để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đảm bảo thực thi theo cam kết quốc tế, gồm có:
-
Làm rõ các nội dung quyền liên quan đến quyền tài sản như quyền biểu diễn; quyền sao chép; quyền phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng; quyền truyền đạt, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn; quyền cho thuê và quy định về cạn quyền (Điều 20);
-
Sửa đổi quy định người biểu diễn có các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn; quy định về quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn như quyền sao chép, truyền đạt, phân phối, nhập khẩu để phân phối và quy định về cạn quyền; bổ sung quy định về quyền cung cấp đến công chúng đối với cuộc biểu diễn và người biểu diễn và chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn (Điều 29);
-
Sửa đổi, bổ sung một số nội dung về quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình như quyền sao chép, phân phối, nhập khẩu để phân phối, quy định về cạn quyền; quyền cung cấp tới công chúng bản ghi âm, ghi hình theo cách mà công chúng có thể tiếp cận tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn (Điều 30);
-
Sửa đổi, bổ sung một số nội dung quyền của tổ chức phát sóng như quyền sao chép; quyền phân phối, nhập khẩu để phân phối, quy định về cạn quyền (Điều 31).
Ngoài ra, một số thay đổi khác được đề xuất theo Dự thảo luật liên quan đến Nhãn hiệu, Chỉ dẫn địa lý và Quyền tác giả, quyền liên quan, bao gồm như sau:
-
Sửa đổi, bổ sung một số khái niệm như sau:
- Bổ sung các từ ngữ “tác giả”, “biện pháp công nghệ bảo vệ quyền” và “thông tin quản lý quyền”; sửa đổi, bổ sung nội dung từ ngữ “sao chép”; sử dụng từ ngữ “tiền bản quyền” thay cho ba từ ngữ “nhuận bút”, “thù lao”, “quyền lợi vật chất” để phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế (Điều 4);
- Bổ sung khái niệm “Chỉ dẫn địa lý đồng âm” (Điều 4.22);
-
Sửa đổi Quyền tác giả đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu, trong đó luật hóa quy định liên quan đến bản sao dự phòng (Điều 22);
-
Sửa đổi, bổ sung các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả và không phải trả tiền bản quyền (Điều 25);
-
Sửa đổi, bổ sung các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả nhưng phải trả tiền bản quyền (Điều 26);
-
Sửa đổi quy định về hành vi xâm phạm quyền (Điều 28);
-
Sửa đổi, bổ sung quy định chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số, hoặc toàn bộ các quyền (Các Điều 19.3, 20.1, 20.3, 36);
-
Bổ sung khái niệm “Dấu hiệu âm thanh” (Điều 72.1) nhằm đảm bảo thi hành nghĩa vụ tại Điều 18.18 CPTPP [1] nhưng bổ sung thêm điều kiện “thể hiện được dưới dạng đồ họa” để đảm bảo dấu hiệu “nhìn thấy được” không phải áp dụng cho mọi trường hợp và để đảm bảo âm thanh cũng có thể được đăng ký làm nhãn hiệu mà không bị từ chối chỉ vì là âm thanh (không nhìn thấy được).
-
Sửa đổi quy định về Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý (Điều 88): Tổ chức đại diện cho những người sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý có quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý này;
-
Bổ sung một số điểm mới tại Điều 95.1 về Chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ, cụ thể:
h) Việc sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ bởi chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ sở hữu cho phép làm cho công chúng hiểu sai lệch về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa hoặc dịch vụ đó;
i) Nhãn hiệu được bảo hộ đã trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ đăng ký cho chính nhãn hiệu đó;
k) Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài không còn được bảo hộ tại nước xuất xứ.
-
Sửa đổi và bổ sung quy định về một số trường hợp hủy bỏ hiệu lực, bao gồm trường hợp Người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu;
-
Sửa đổi thời hạn quy định đối với Ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ, cụ thể 5 tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố và 3 tháng kể từ ngày đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được công bố;
-
Sửa đổi Điều 124.5b về sử dụng nhãn hiệu, cụ thể Sử dụng nhãn hiệu là việc thực hiện các hành vi sau đây:
b) Lưu thông, bán, chào bán, quảng cáo để bán, trưng bày để bán, tàng trữ để bán, vận chuyển hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ;
Quy định này nhằm đảm bảo thi hành cam kết theo CPTPP quy định về hành vi xuất khẩu hoặc phân phối/bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu cũng là hành vi xâm phạm quyền SHTT để làm căn cứ cho việc xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự (Điều 226).
Cao Hồng Giang - Trưởng phòng Nhãn hiệu
& Nguyễn Trường Thành - Chuyên viên Nhãn hiệu
Công ty Sở hữu công nghiệp NVESTIP
[1] Nghĩa vụ tại Điều 18.18 CPTPP về Loại dấu hiệu có thể đăng ký làm nhãn hiệu quy định “Không Bên nào được yêu cầu, như một điều kiện để được đăng ký, là dấu hiệu phải nhìn thấy được, cũng như không Bên nào được từ chối đăng ký một nhãn hiệu chỉ với lý do rằng dấu hiệu cấu thành nhãn hiệu đó là âm thanh”.