I. Khái quát chung về hết quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) và Thương mại song song (TMSS)
Hết quyền SHTT là trạng thái khi một sản phẩm mang đối tượng SHTT được đưa ra thị trường bởi chính chủ thể nắm giữ quyền SHTT hoặc với sự đồng ý của chủ thể này, thì chủ thể nắm giữ quyền SHTT không còn quyền kiểm soát đối với việc phân phối và khai thác thương mại các sản phẩm đó nữa. Khi đó, các hành vi thương mại như sử dụng, bán, đề nghị bán, cất giữ để bán, cho thuê hoặc các hành vi phi thương mại như tặng, cho mượn sản phẩm mang đối tượng SHTT được bảo hộ do chủ thể khác tiến hành sẽ không bị coi là xâm phạm quyền SHTT.
Hết quyền SHTT có thể xảy ra trong phạm vi quốc gia, khu vực hoặc quốc tế tương ứng với ba cơ chế hết quyền: (i) cơ chế hết quyền quốc gia, (ii) cơ chế hết quyền khu vực và (iii) cơ chế hết quyền quốc tế.
-
Hết quyền quốc gia: Đối với cơ chế hết quyền quốc gia, chủ sở hữu quyền SHTT không còn quyền kiểm soát việc phân phối và khai thác thương mại sản phẩm mang đối tượng SHTT được bảo hộ khi chủ sở hữu quyền SHTT hoặc chủ thể khác được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền SHTT đưa sản phẩm ra thị trường nội địa – trong phạm vi lãnh thổ nước mà chủ sở hữu quyền SHTT hoặc chủ thể khác được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền SHTT đưa sản phẩm ra thị trường lần đầu tiên. Tuy nhiên, quyền SHTT của chủ thể này vẫn được bảo hộ ở những nơi khác và chủ thể này có quyền ngăn chặn nhập khẩu song song sản phẩm mang đối tượng SHTT được bảo hộ quyền SHTT từ nước ngoài vào. Nói cách khác, chủ sở hữu quyền SHTT không thể ngăn cấm lưu thông sản phẩm diễn ra trong thị trường nội địa nhưng có thể ngăn chặn nhập khẩu song song những sản phẩm này từ nước ngoài vào.
-
Hết quyền khu vực: Cơ chế hết quyền khu vực liên quan đến hết quyền trong phạm vi thị trường rộng hơn thị trường một quốc gia nhưng lại chỉ giới hạn ở một số quốc gia nhất định (ví dụ, các nước thuộc khối Khu vực Kinh tế Châu Âu). Về bản chất, đây có thể coi là một hình thức kết hợp giữa cơ chế hết quyền quốc gia và cơ chế hết quyền quốc tế. Khi hết quyền xảy ra trong phạm vi khu vực, chủ sở hữu quyền SHTT không thể ngăn cấm sự lưu thông của các sản phẩm trong phạm vi khu vực khi những sản phẩm này đã được đưa ra thị trường khu vực bởi chính chủ thể này hoặc chủ thể khác được sự đồng ý của chủ thể này. Tuy nhiên, chủ sở hữu quyền SHTT có quyền ngăn chặn việc nhập khẩu những sản phẩm này từ ngoài vào thị trường khu vực.
Hiện tại, cơ chế hết quyền khu vực được áp ở hai khu vực, đó là:
(i) các nước thuộc Khu vực Kinh tế Châu Âu (hiện gồm 28 quốc gia thành viên). Cơ chế hết quyền khu vực được xác lập từ đầu những năm 1970 khi Toà án tối cao của Liên minh châu Âu ra phán quyết trong vụ Deutsche Grammophon Gmbh v. Metro SB Grossmarket GmbH.
(ii) các nước Tây Phi thuộc Cộng đồng Pháp ngữ- đây là các nước thuộc Tổ chức SHTT Châu Phi (OAPI) (hiện gồm 17 quốc gia thành viên). Cơ chế hết quyền khu vực được quy định tại Điều 3 của Hiệp định Bangui 1999.
-
Hết quyền quốc tế: Cơ chế hết quyền quốc tế xảy ra khi sản phẩm được bảo vệ quyền SHTT được chính chủ sở hữu quyền SHTT hoặc chủ thể khác được sự đồng ý của chủ sở hữu đưa ra bất kỳ thị trường nào trên thế giới. Ngược lại với cơ chế hết quyền quốc gia, chủ sở hữu quyền SHTT không thể ngăn chặn sự lưu thông của hàng hoá trên phạm vi toàn thế giới.
Mối quan hệ giữa hết quyền SHTT và TMSS: Hết quyền SHTT là cơ sở cho TMSS (TMSS). Trường hợp thứ nhất, nếu hết quyền quốc gia được áp dụng, chủ thể nắm giữ quyền SHTT chỉ mất quyền phân phối hàng hoá trong lãnh thổ quốc gia. Kết quả là, nhập khẩu song song không được công nhận. Trường hợp thứ hai, cơ chế hết quyền khu vực được áp dụng, chủ thể nắm giữ quyền SHTT mất quyền phân phối hàng hoá trong phạm vi khu vực. Do đó, TMSS được coi là hợp pháp trong khu vực. Trường hợp thứ ba, nếu cơ chế hết quyền quốc tế được áp dụng, hết quyền xảy ra khi hàng hoá được đưa ra bất kỳ thị trường nào và quyền phân phối hàng hoá của chủ thể nắm giữ quyền SHTT không còn trên phạm vi toàn cầu. Do đó, TMSS được coi là hợp pháp trên phạm vi toàn cầu.
II. Sự lựa chọn cơ chế hết quyền của từng quốc gia
Như phân tích ở trên, hết quyền có thể xảy ra trong phạm vi quốc gia, khu vực hoặc quốc tế tương ứng với ba cơ chế hết quyền: cơ chế hết quyền quốc gia, cơ chế hết quyền khu vực và cơ chế hết quyền quốc tế. Mỗi cơ chế hết quyền sẽ đưa đến những hệ quả pháp lý khác nhau đối với TMSS, và tiếp đó ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề kinh tế của mỗi quốc gia. Do đó, khi xem xét khía cạnh lập pháp, mỗi quốc gia sẽ cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau để lựa chọn một cơ chế hết quyền phù hợp nhất đối với mình.
-
Yếu tố tự do thương mại
Lập luận phổ biến nhất khi ủng hộ hết quyền quốc tế, đó là một hệ thống thị trường mang nặng tính khu vực, cắt cứ sẽ không phù hợp với tự do thương mại. Thông qua giao dịch quốc tế về hàng hoá và dịch vụ, các quốc gia có thể chuyên môn hoá vào những ngành mà mình có lợi thế, qua đó các bên đều đạt được lợi ích lớn nhất (học thuyết lợi thế tuyệt đối, lợi thế tương đối). Dỡ bỏ các rào cản phi thế quan sẽ tạo ra sự phân phối sản phẩm dựa trên lợi thế tuyệt đối hoặc tương đối, qua đó mở rộng khả năng xuất khẩu sản phẩm của quốc gia. Tự do thương mại cũng là lập luận chính và là nền tảng để EU lựa chọn cơ chế hết quyền khu vực của mình – một cơ chế có thể coi là “hết quyền quốc tế ở phạm vi nhỏ”.
-
Yếu tố phân biệt giá
Khi cơ chế hết quyền quốc gia được áp dụng, TMSS bị cấm, chủ thể quyền SHTT không phải chịu sự cạnh tranh về giá từ các chủ thể khác. Khi đó, chủ thể quyền SHTT có thể áp đặt các mức giá khác nhau (cho cùng một sản phẩm hoặc dịch vụ) tại các thị trường khác nhau. Ngược lại, khi cơ chế hết quyền quốc tế được áp dụng, TMSS là được phép, dẫn tới có sự cạnh tranh về giá. Khi đó, chủ thể quyền SHTT khó có thể áp đặt sự khác biệt về giá ở các thị trường khác nhau.
Lấy ví dụ có hai quốc gia: quốc gia A (nước phát triển, thu nhập bình quân đầu người cao) và quốc gia B (kém phát triển hơn, thu nhập bình quân đầu người thấp). Một chủ thể quyền SHTT sẽ phân phối sản phẩm ở quốc gia A và quốc gia B trong các điều kiện khác nhau như sau: Khi cơ chế hết quyền quốc gia được áp dụng (dẫn tới có sự phân biệt về giá), chủ thể quyền SHTT sẽ bán sản phẩm ở A với giá là a, bán sản phẩm ở B với giá là b – giá b thấp hơn a[1]. Khi cơ chế hết quyền quốc tế được áp dụng (dẫn tới không có sự phân biệt về giá), chủ thể quyền SHTT sẽ chỉ phân phối sản phẩm ở quốc gia A. Ở kịch bản thứ nhất, cả chủ thể quyền SHTT và người tiêu dùng ở nước nghèo đều được lợi, còn người tiêu dùng ở nước giàu không bị ảnh hưởng. Mặt khác, ở kịch bản thứ nhất, chủ thể quyền SHTT sẽ đạt doanh thu cao hơn so với ở kịch bản thứ hai. Như vậy, cơ chế hết quyền quốc gia sẽ tạo ra năng suất cao hơn.
-
Hết quyền quốc gia là sự hỗ trợ cho quyền SHTT
Theo lý thuyết chung, hạn chế TMSS sẽ đem lại nhiều quyền hơn cho chủ thể quyền SHTT, giúp chủ thể này khai thác tối đa các lợi ích vật chất từ sản phẩm và dịch vụ của mình. Kết quả là, các chủ thể này sẽ có nguồn kinh phí đầy đủ để tái đầu tư, mở rộng nghiên cứu, cải tiến công nghệ và đưa ra thị trường các sản phẩm, dịch vụ mới. Điều này không chỉ đem lại lợi ích cho chủ thể quyền SHTT mà còn đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, cho chính quốc gia.
Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp thì lập luận nói trên đều đúng. Nghiên cứu SHTT nói chung, có thể tạm chia các đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ của quyền SHTT thành 2 nhóm: Nhóm thứ nhất gồm các đối tượng là kết quả của hoạt động có tính sáng tạo, kết quả của quá trình nghiên cứu, khám phá, như sáng chế, KDCN, các tác phẩm. Nhóm còn lại gồm các đối tượng có tính cung cấp thông tin, gồm nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.[2] Khi khai thác các quyền đối với nhóm thứ nhất, chủ thể quyền đương nhiên sẽ thu được lợi nhuận thông qua việc phân phối sản phẩm, dịch vụ. Nếu áp dụng cơ chế hết quyền quốc gia, tính cạnh tranh của thị trường giảm đi, chủ thể quyền tăng được lợi nhuận và tăng chi phí tái sáng tạo ra sản phẩm mới – như phân tích nêu trên. Tuy nhiên, đối với các đối tượng ở nhóm thứ hai, lập luận này dường như không thuyết phục, bởi chi phí tái đầu tư, tái sáng tạo ra một nhãn hiệu mới là không đáng kể. Thực tế cũng cho thấy, các nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thường xuyên thay đổi, đưa ra thị trường các nhãn hiệu mới, đa dạng để thu hút người tiêu dùng. Chi phí để thiết kế, tìm tòi và cho ra đời một nhãn hiệu mới sẽ không thể so sánh với chi phí sáng tạo, nghiên cứu cho ra đời một sáng chế hay một kiểu dáng mới. Đây cũng là lí do mà nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng các cơ chế hết quyền khác nhau đối với từng nhóm đối tượng SHTT khác nhau.
III. Hết quyền SHTT theo quy định của pháp luật Việt Nam
-
Giai đoạn trước khi có Luật SHTT 2005
SHTT là một lĩnh vực không còn mới mẻ trên thế giới. Song, xuất phát từ trình độ lập pháp non trẻ, trình độ kinh tế – xã hội có những hạn chế so với mặt bằng chung của thế giới, lĩnh vực này mới chỉ thực sự phát triển trong khoảng hai thập niên trở lại đây tại Việt Nam. Riêng vấn đề hết quyền SHTT và nhập khẩu song song, như đã phân tích ở trên, mới chỉ được chú trọng nghiên cứu và có những quy phạm điều chỉnh trong khoảng mười năm trở lại đây.
Từ giai đoạn đổi mới năm 1986, ở nước ta, việc tích lũy của cải trong khu vực tư nhân được khuyến khích. Như một hệ quả tất yếu, lưu thông dân sự phát triển nhanh chóng, các quan hệ dân sự cũng trở nên rất phong phú và đa dạng. Để kịp thời điều chỉnh các quan hệ này, trong thời gian ngắn, Nhà nước đã xây dựng nhiều văn bản pháp luật như: Luật hôn nhân và gia đình năm 1986; Luật đất đai năm 1987; Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987; Luật quốc tịch năm 1988; các Nghị định số 27, 28, 29 ngày 9/3/1998 và số 170 ngày 14/11/1988 về kinh tế ngoài quốc doanh; các Nghị định số 85 ngày 13/5/1988, số 200 và 201 ngày 28/12/1988 về sở hữu công nghiệp; Pháp lệnh về chuyển giao công nghệ năm 1988; Pháp lệnh sở hữu công nghiệp năm 1989; Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989; Pháp lệnh thừa kế năm 1990; Pháp lệnh nhà ở và Pháp lệnh hợp đồng dân sự năm 1991; Luật đất đai năm 1993; Pháp lệnh bảo hộ quyền tác giả năm 1994;…
Từ kinh nghiệm của việc xây dựng và áp dụng các văn bản nói trên, một Bộ luật dân sự mới hoàn thiện hơn đã được xây dựng và được Quốc hội thông qua ngày 28/10/1995, đó là Bộ luật Dân sự 1995 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/1996. Bộ luật Dân sự 1995 là văn bản đầu tiên đề cập một cách hệ thống (tuy chưa đầy đủ) các vấn đề, các đối tượng của lĩnh vực SHTT. Trong Bộ luật Dân sự 1995, vấn đề hết quyền SHTT cũng lần đầu tiên được đặt ra. Cụ thể, khoản 2 Điều 803 của Bộ luật quy định về hết quyền SHTT đối với 3 đối tượng sáng chế, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp.
Điều 803. Sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp không phải xin phép, không phải trả thù lao cho chủ sở hữu
Trong thời hạn văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực, mọi cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác đều có thể sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp mà không phải xin phép, không phải trả thù lao cho chủ sở hữu, nếu:
… 2- Lưu thông và sử dụng các sản phẩm đó do chủ sở hữu, người có quyền sử dụng trước, người được chuyển giao quyền sử dụng đưa ra thị trường;
Hai đối tượng khác của SHTT là nhãn hiệu (thời điểm này được gọi là “nhãn hiệu hàng hoá”) và chỉ dẫn địa lý (được gọi là “tên gọi xuất xứ hàng hoá”) được quy định trong Nghị định 63/CP ngày 24/10/1996 quy định chi tiết về Sở hữu công nghiệp. Cụ thể, điểm b khoản 3 Điều 53 của Nghị định nêu như sau:
… 3/ Các trường hợp sau đây không bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp:
b) Lưu thông và sử dụng sản phẩm có gắn nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá do chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hoá, do người được chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hoá hoặc do người có quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá đã đưa ra thị trường;
Thông tư 825/2000/TT-BKHCNMT ngày 03/05/2000 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn thi hành Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 06/03/1999 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã giải thích rõ thuật ngữ “thị trường”. Theo đó, khi xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và khi xử phạt theo Điều 9 Nghị định, các trường hợp ngoại lệ không bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp:
“Hoạt động thương mại với các sản phẩm, hàng hoá có chứa yếu tố được bảo hộ sở hữu công nghiệp do người khác cung cấp (phân phối, bán) và người cung cấp chính là chủ sở hữu công nghiệp (người có Văn bằng bảo hộ, người được cấp li-xăng) thì các hoạt động thương mại đó không bị coi là xâm phạm, bất kể việc cung cấp hàng hoá, sản phẩm được thực hiện tại Việt Nam hay ở nước ngoài.”
Như vậy, ở giai đoạn này, Việt Nam đã khẳng định và áp dụng cơ chế hết quyền quốc tế đối với các đối tượng SHCN.
Vấn đề hết quyền SHTT còn được quy định ở một văn bản khác, đó là Thông tư số 3055/TT-SHCN ngày 31/12/1996 Về việc hướng dẫn thi hành các quy định về thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và một số thủ tục khác trong Nghị định số 63/CP ngày 24 tháng 10 năm 1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp. Theo đó, các chủ thể liên quan khi tiến hành li-xăng phải cho phép xuất khẩu song song từ Việt Nam:
17.4. Hợp đồng li-xăng không được phép có những điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền của Bên nhận li-xăng, đặc biệt là những điều khoản hạn chế không xuất phát từ quyền của Bên giao li-xăng đối với đối tượng sở hữu công nghiệp tương ứng hoặc không nhằm bảo vệ các quyền đó, như:
Điều khoản trực tiếp hoặc gián tiếp hạn chế việc xuất khẩu sản phẩm sản xuất theo li-xăng sang các vùng lãnh thổ không phải là nơi mà Bên giao li-xăng là chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp tương ứng hoặc có độc quyền nhập khẩu đối tượng sở hữu công nghiệp tương ứng;
Nghị định 06/2001/NĐ-CP ngày 01/02/2001 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63/CP ngày 24/10/1996 của Chính phủ quy định chi tiết về SHCN. Theo đó: Điều 53 Nghị định 63/CP được huỷ bỏ khoản 3. [3] Điều này có nghĩa là các quy định về hết quyền SHTT đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đã bị loại bỏ, dẫn đến cách hiểu là, Việt Nam không có quy định về hết quyền SHTT đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Diễn giải lựa chọn của một quốc gia khi bỏ trống quy định về hết quyền SHTT đối với một nhóm đối tượng cụ thể, nhiều học giả cho rằng có thể quốc gia đó chưa đánh giá được cơ chế nào sẽ phù hợp và có thể coi là phó mặc vấn đề nhập khẩu song song cho thị trường tự điều chỉnh. Trong trường hợp có tranh chấp phát sinh mà các bên không thể tự giải quyết được, Toà án sẽ tiến hành giải quyết tranh chấp đó. Ở những nước không áp dụng án lệ như Việt Nam, quan điểm của Toà án ở các vụ việc khác nhau có thể khác nhau, và không nhất thiết sẽ được diễn giải là Toà án chỉ áp dụng một cơ chế hết quyền duy nhất[4].
Liên quan tới vấn đề y tế, trong bối cảnh ngành y tế của nước ta còn chưa phát triển, việc sản xuất và cung ứng thuốc chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, Bộ Y tế đã có Quyết định 1906/2004/QĐ-BYT ngày 28/05/2004 ban hành Quy định về nhập khẩu song song thuốc phòng, chữa bệnh cho người. Theo đó, việc nhập khẩu song song đối với sản phẩm thuốc là được phép nhằm phục vụ mục tiêu khám chữa bệnh trong nước. Các sản phẩm thuốc được nhập khẩu song song là thuốc thành phẩm có cùng tên biệt dược, có cùng hoạt chất, cùng hàm lượng, cùng dạng bào chế với thuốc đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam nhưng Nhà sản xuất, phân phối không cung ứng hoặc cung ứng không đủ theo nhu cầu điều trị hoặc đang bán với mức giá cao tại Việt Nam so với mức giá bán lẻ thuốc đó tại nước sở tại, tại các nước có điều kiện kinh tế tương tự Việt Nam mà thuốc đó đang lưu hành.
Trong giai đoạn nói trên (và kể cả hiện nay), ngành công nghiệp thuốc của Việt Nam còn ở quy mô còn nhỏ. Các công ty dược của Việt Nam mới chỉ sản xuất được 40% giá trị thuốc sử dụng trong nước, còn lại 60% là các sản phẩm nhập từ nước ngoài[5]. Đáng lưu ý, xu hướng nhập khẩu thuốc ngày một tăng lên (xem Phụ lục 02). Với lí do này, Việt Nam cũng như nhiều nước khác đã chú trọng tới việc nhập khẩu song song thuốc và coi đây là hoạt động hợp pháp. Nhập khẩu song song thuốc tại Việt Nam được tiến hành trên cơ sở Quyết định 1906/204/QĐ-BYT nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Tuy nhiên, cần lưu ý là nhập khẩu song song thuốc của Việt Nam không gắn liền với đối tượng SHCN nào. Quy định này có thể hiểu là toàn bộ các đối tượng SHCN nếu liên quan tới sản phẩm thuốc thì đều được nhập khẩu song song. Điều này có thể đem lại lợi ích về khía cạnh tiêu dùng, song sẽ làm giảm mức độ bảo hộ chủ thể quyền SHCN – nhất là các chủ thể nước ngoài – và khiến họ sẽ cân nhắc hơn khi đầu tư vào thị trường Việt Nam.
-
Giai đoạn từ khi có Luật SHTT 2005 tới nay
Hiện nay, vấn đề hết hết quyền SHTT và nhập khẩu song song được hiểu thông qua quy định trong một số văn bản pháp luật sau đây: Luật SHTT năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009; Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về sở hữu công nghiệp; Thông tư số 37/2011/TT-BKHCN ngày 27/12/2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 97/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghiệp.
2.1. Đối với quyền SHCN
Nguyên tắc cơ bản về hết quyền SHTT được quy định tại Điều 125 khoản 2b, Luật SHTT 2005:
“…Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp và tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc quyền quản lý chỉ dẫn địa lý không có quyền cấm người khác thực hiện hành vi thuộc các trường hợp sau đây:
b) Lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp, trừ sản phẩm không phải do chính chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu đưa ra thị trường nước ngoài;”
Phân tích Điều 125 khoản 2b có thể rút ra một số điểm như sau:
– Thứ nhất, chủ thể quyền SHTT (bao gồm chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp và tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc quyền quản lý chỉ dẫn địa lý) không được cấm chủ thể khác thực hiện các hành vi bao gồm: lưu thông, nhập khẩu, khai thác – nghĩa là các hành vi sử dụng sản phẩm mang đối tượng SHCN sau khi sản phẩm đã được đưa ra thị trường. Nghĩa của từ “lưu thông” được giải thích tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 103/2006/NĐ-CP. Cụ thể, hành vi lưu thông sản phẩm “bao gồm cả hành vi bán, trưng bày để bán, vận chuyển sản phẩm.” Cụm từ “khai thác công dụng” không được giải thích trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sSHTT. Nghĩa của cụm từ “khai thác công dụng” được hiểu theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005. Theo đó, khai thác công dụng của sản phẩm được hiểu là thực hiện hành vi sử dụng sản phẩm. Cụ thể, Điều 192 Bộ luật Dân sự quy định “Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản.” Như vậy, các quyền bán, trưng bày để bán, vận chuyển, nhập khẩu, sử dụng sản phẩm của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp không còn khi đưa sản phẩm ra thị trường. Nói cách khác, tổ chức, cá nhân thực hiện những hành vi vừa nêu khi sản phẩm mang đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ đã được đưa ra thị trường bởi chính chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc người được phép của chủ thể này không bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
– Thứ hai, các sản phẩm ở đây phải thoả mãn hai tiêu chí: (i) Sản phẩm phải là hàng thật, nghĩa là không phải hàng giả mạo về SHTT (không phải “sản phẩm không phải do chính chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu đưa ra thị trường nước ngoài”). (ii) Sản phẩm phải được chính chủ thể quyền hoặc người được chủ thể quyền đưa ra thị trường. Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 103/2006/NĐ-CP diễn giải rõ hơn phạm vi của nhóm chủ thể này như sau:
“Sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 125 của Luật SHTT được hiểu là sản phẩm do chính chủ sở hữu, người được chuyển giao quyền sử dụng, kể cả chuyển giao quyền sử dụng theo quyết định bắt buộc, người có quyền sử dụng trước đối tượng sở hữu công nghiệp đã đưa ra thị trường trong nước hoặc nước ngoài.”
Theo Luật SHTT 2005, quy định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp chỉ áp dụng với sáng chế (quy định tại các Điều 145, Điều 146 và Điều 147 Luật SHTT). Quy định quyền sử dụng trước chỉ áp dụng với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp (quy định tại Điều 134 Luật SHTT).
– Thứ ba, hết quyền sẽ xảy ra khi sản phẩm được đưa ra thị trường trong nước hoặc nước ngoài. Như vậy, với quy định này, Việt Nam khẳng định áp dụng nguyên tắc hết quyền quốc tế (tiếp tục áp dụng đối với sáng chế và kiểu dáng công nghiệp, và “tái” áp dụng đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý) và tính hợp pháp của nhập khẩu song song cho các đối tượng sở hữu công nghiệp. Tính hợp pháp của nhập khẩu song song tiếp tục được khẳng định trong Thông tư 37/2011/TT-BKHCN, cụ thể là tại khoản 1 Điều 10:
“Nhập khẩu song song…là việc tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm do chính chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân được chuyển giao quyền sử dụng, kể cả chuyển giao quyền sử dụng theo quyết định bắt buộc, người có quyền sử dụng trước đối tượng sở hữu công nghiệp đã đưa ra thị trường nước ngoài, mặc dù không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp.”
2.2. Đối với quyền đối với giống cây trồng
Theo quy định của pháp luật Việt Nam mà cụ thể là tại Khoản 2 Điều 190 Luật SHTT, nguyên tắc hết quyền quốc tế được áp dụng cho quyền đối với giống cây trồng. Cụ thể:
“Quyền đối với giống cây trồng không được áp dụng đối với các hành vi liên quan đến vật liệu của giống cây trồng được bảo hộ do chủ bằng bảo hộ hoặc người được chủ bằng bảo hộ cho phép bán hoặc bằng cách khác đưa ra thị trường Việt Nam hoặc thị trường nước ngoài, trừ các hành vi sau đây…”
Hai ngoại lệ của vấn đề này được quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 190, đó là:
– Liên quan đến việc nhân tiếp giống cây trồng đó;
– Liên quan đến việc xuất khẩu các vật liệu của giống cây trồng có khả năng nhân giống vào những nước không bảo hộ các chi hoặc loài cây trồng đó, trừ trường hợp xuất khẩu vật liệu nhằm mục đích tiêu dùng.
2.3. Đối với quyền tác giả
Đối với quyền tác giả, quy định về cơ chế hết quyền không rõ ràng. Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 20 Luật SHTT, chủ thể nắm giữ quyền tác giả có quyền “phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm”. Tuy nhiên, vấn đề không rõ là nhập khẩu song song bản gốc hoặc bản sao tác phẩm là hành vi hợp pháp hay bất hợp pháp? Hơn nữa, các hành vi được liệt kê trong danh mục hành vi xâm phạm quyền tác giả theo Điều 28 Luật SHTT không bao gồm TMSS. Như vậy, không có bất kỳ quy định nào đề cập đến cơ chế hết quyền đối với quyền tác giả trong Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này.
IV. Kết luận
Đánh giá chung, pháp luật Việt Nam đã xác định cơ chế chủ đạo là cơ chế hết quyền quốc tế. Cơ chế này đã được áp dụng từ khi có Bộ luật Dân sự 1995, cho tới khi Luật SHTT 2005 ra đời và có hiệu lực tới nay. Việc áp dụng cơ chế hết quyền quốc tế là một lựa chọn phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam bởi lẽ: Một mặt, các đối tượng SHTT tuy đã được khuyến khích bảo hộ và phát triển (được cụ thể hoá trong Hiến pháp 1992 tại Điều 60: Công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát minh, sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hoá khác. Nhà nước bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp.; Hiến pháp 2013 tại Điều 62 khoản 2: Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ; bảo đảm quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; bảo hộ quyền SHTT.). Mặt khác, kể từ giai đoạn Đổi Mới năm 1986 tới nay, Việt Nam tuy đạt được nhiều thành tựu về kinh tế – xã hội, song tốc độ phát triển chưa thực sự cao. Các sản phẩm SHTT của Việt Nam chưa thực sự nhiều, chưa nói tới việc các sản phẩm này có giá trị về mặt kinh tế, thương mại hay không.
Trong khi đó, từ sau 1986 Việt Nam mở cửa nền kinh tế và chuyển dần sang thể chế kinh tế thị trường. Điều này có nghĩa là tiêu dùng sẽ tăng mạnh, đòi hỏi nguồn sản phẩm/ dịch vụ trên thị trường phải đa dạng cả về chủng loại lẫn giá cả để có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng. Vì vậy, việc áp dụng cơ chế hết quyền quốc tế trong giai đoạn này là phù hợp./.
[1] Lý thuyết kinh tế gọi đây là sự “Phân biệt giá cấp III”
[2] Theo quan điểm của tác giả, nhóm thứ hai tuy cũng có sự sáng tạo nhất định (chẳng hạn việc thiết kế, sáng tạo ra một mẫu nhãn hiệu), nhưng hàm lượng sáng tạo ở nhóm thứ hai này không nhiều. Hơn nữa, mục đích chính của nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý là nhằm giúp người tiêu dùng phân biệt được hàng hoá, dịch vụ. Trong khi đó, ở nhóm thứ nhất, hàm lượng sáng tạo là rất lớn. Mục đích bảo hộ của các đối tượng ở nhóm thứ nhất – cũng theo tác giả – là nhằm ghi nhận công sức, chất xám mà chủ thể quyền đã bỏ ra.
[3] Điều 53 khoản 3 Nghị định 63/CP quy định như sau:
3/ Các trường hợp sau đây không bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp:
-
a) Sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá không nhằm mục đích kinh doanh;
-
b) Lưu thông và sử dụng sản phẩm có gắn nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá do chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hoá, do người được chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hoá hoặc do người có quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hoá đã đưa ra thị trường;
-
c) Sử dụng sản phẩm có gắn nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá trên phương tiện vận tải của nước ngoài đang quá cảnh hoặc tạm thời nằm trên lãnh thổ Việt Nam mà việc sử dụng nói trên chỉ nhằm mục đích duy trì hoạt động của phương tiện đó.
[4] Trường hợp tương tự cũng xảy ra ở Trung Quốc khi Trung Quốc không quy định rõ cơ chế hết quyền đối với nhãn hiệu. Khi có tranh chấp xảy ra, Toà án căn cứ vào tính chất từng vụ việc để giải quyết. Xem: Andre R. Jaglom, Going to Market in Asia and Around the World: Differing Competition Rules for Distribution,
http://www.nysba.org/Sections/International/Seasonal_Meetings/Vietnam/Program_17/Andre_Jaglom_paper.html
[5] Báo cáo Phân tích ngành dược Việt Nam, 2008 do Công ty chứng khoán ngân hàng ngoại thương Việt Nam thực hiện.