I. Khái quát chung về hết quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) và Thương mại song song (TMSS) theo các Điều ước quốc tế (ĐƯQT) đa phương:
TMSS là hiện tượng sản phẩm được sản xuất một cách hợp pháp theo sự bảo hộ dành cho các đối tượng SHCN, quyền tác giả hay giống cây trồng, được đưa ra một thị trường nhất định và sau đó sản phẩm này được nhập khẩu vào một thị trường thứ hai mà không có sự cho phép của chủ thể quyền SHTT ở thị trường thứ hai đó. TMSS có ảnh hưởng khác biệt tới từng nhóm chủ thể khác nhau: đối với chủ sở hữu quyền SHTT, nó hạn chế quyền và lợi ích kinh tế, thương mại của nhóm chủ thể này; đối với người tiêu dùng, nó đem lại cơ hội tiếp cận sản phẩm với giá cả cạnh tranh, hợp lí. Lợi ích của mỗi nhóm chủ thể này đều quan trọng và đều có ảnh hưởng thiết thực tới đời sống kinh tế, xã hội của một quốc gia cũng như của cả thế giới. Do đó, việc điều chỉnh hoạt động TMSS để qua đó cân bằng được lợi ích của các nhóm chủ thể trên, hướng tới sự phát triển chung về kinh tế, xã hội là điều cần thiết, quan trọng.
TMSS gắn liền với cơ chế hết quyền SHTT – một cơ chế tương đối phức tạp và còn mới mẻ ở Việt Nam. Về cơ bản, TMSS là được phép nếu một quốc gia áp dụng cơ chế hết quyền quốc tế, và TMSS sẽ bị cấm nếu quốc gia đó áp dụng cơ chế hết quyền quốc gia. Mỗi quốc gia có những điều kiện kinh tế, xã hội khác biệt, những mục tiêu, chiến lược phát triển không đồng nhất, dẫn tới việc cơ chế hết quyền mà mỗi quốc gia lựa chọn là không giống nhau. Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi các quốc gia tham gia vào các Điều ước quốc tế đa phương và buộc phải tìm được tiếng nói chung thống nhất về khía cạnh này.
Từ những năm 1980, quyền SHTT bắt đầu trở thành mối quan tâm thường xuyên và có ảnh hưởng trực tiếp trên tầm quốc tế. Các tài sản trí tuệ ngày càng đóng góp mạnh mẽ đối với sự phát triển kinh tế, cũng như thúc đẩy tri thức thế giới. Bên cạnh đó, khuynh hướng sử dụng trái phép các tài sản trí tuệ lại diễn ra ngày càng phổ biến và trầm trọng; nạn hàng nhái, hàng giả đã trở thành một vấn nạn diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Việc bắt chước, sao chép để sản xuất và bán các sản phẩm có chứa các thành quả sáng tạo đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, đẩy lùi khỏi thị trường những người đã bỏ công sức đầu tư để tạo ra các thành quả đó. Thực tế này làm cho họ không có khả năng thu hồi vốn và lợi nhuận cần thiết để tiếp tục các hoạt động sáng tạo.
Trước bối cảnh đó, việc tạo lập một hệ thống bảo hộ quyền SHTT có tính bắt buộc trên phạm vi quốc tế nhằm ngăn chặn việc sử dụng trái phép tài sản trí tuệ và khuyến khích, thúc đẩy sáng tạo ngày càng trở nên bức thiết. Phần lớn các quốc gia đều nhất trí rằng cần phải thảo luận, ký kết một công ước mới điều tiết các vấn đề về quyền SHTT. Hiệp định TRIPS đã được ra đời thông qua các cuộc đàm phán thương mại đa phương tại Vòng Urugoay của WTO nhằm mục tiêu giải quyết một cách toàn diện vấn đề bảo hộ quyền SHTT. Hiệp định TRIPS được ký kết vào năm 1994 và chính thức có hiệu lực vào tháng 1-1995. Với Hiệp định này, lần đầu tiên những quy định về quyền SHTT được đưa vào hệ thống thương mại đa biên và người ta kỳ vọng rằng Hiệp định sẽ “góp phần thúc đẩy việc cải tiến, chuyển giao và phổ biến công nghệ, mang lại lợi ích cho cả người sáng tạo và người sử dụng công nghệ cũng như lợi ích kinh tế – xã hội nói chung và đảm bảo sự cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ”. Hiệp định TRIPS là ĐƯQT đa phương đầu tiên đề cập tới vấn đề hết quyền SHTT và TMSS.
Sau Hiệp định TRIPS, một ĐƯQT đa phương đáng chú ý khác cũng đề cập tới vấn đề hết quyền SHTT và TMSS, đó là Hiệp định Đối tác xuyênThái Bình Dương (tiếng Anh: Trans-Pacific Partnership Agreement – viết tắt TPP). TPP là một hiệp định thương mại tự do được ký kết giữa 12 nước gồm: Chile, New Zealand, Singapore, Brunei (được coi là 4 thành viên sáng lập), Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Australia, Canada, Peru, Việt Nam. Hiệp định ra đời với mục đích xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên, thúc đẩy hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là một hiệp định có tính chất toàn diện, bao quát tất cả các khía cạnh chính của thương mại tự do như: trao đổi hàng hóa, xuất xứ hàng hoá, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, SHTT, lao động…
Khởi điểm của TPP là một hiệp định thương mại được đàm phán giữa 3 nước: Chile, New Zealand và Singapore. Hiệp định này được gọi là Hiệp định Đối tác ba nước liên kết xuyên Thái Bình Dương (tiếng Anh: Pacific Three Closer Economic Partnership – viết tắt là P3), được ký kết vào ngày 03/06/2005 và có hiệu lực ngày 28/05/2006. Tiếp đó, Brunei mong muốn tham gia đàm phán mở rộng hiệp định này. Sau vòng đàm phán với Brunei, Hiệp định lấy tên là Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (tiếng Anh: Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement – viết tắt là P4). Tháng 9/2008, Mỹ tuyên bố tham gia đàm phán gia nhập hiệp định. Kế đó là 7 nước Australia, Peru, Việt Nam, Malaysia, Canada, Mexico và Nhật Bản cũng lần lượt tham gia đàm phán, đưa tổng số thành viên lên thành 12. 12 quốc gia tham gia đều là thành viên của Tổ chức hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) với tổng dân số 650 triệu người, trung bình thu nhập bình quân đầu người đạt 31.481 USD (năm 2011), tổng GDP lên đến hơn 20 nghìn tỷ USD.
Bên cạnh Hiệp định TRIPS, Hiệp định TPP, vấn đề hết quyền SHTT còn được quy định trong nhiều ĐƯQT khác về SHTT ví dụ, Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới ( Công ước UPOV 1961) quy định về hết quyền đối với giống cây trồng mới; Công ước của WIPO về quyền tác giả ( WCT- 1995) quy định về hết quyền đối với quyền tác giả… Tuy nhiên các ĐƯQT này chỉ đề cập đến những lĩnh vực cụ thể, còn Hiệp định TRIPS và Hiệp định TPP được đánh giá là những ĐƯQT toàn diện nhất về SHTT đề cập đến vấn đề hết quyền SHTT. Do vây, phần dưới đây của bài viết sẽ tập trung phân tích các quy định của 2 ĐƯQT tiêu biểu này.
II. Quy định của Hiệp định TRIPS về TMSS
Trước khi hiệp định TRIPS (Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT) ra đời, các quốc gia được tự do lựa chọn cơ chế hết quyền phù hợp nhất với mình. Như trình bày ở phần trên, xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau, cũng như từ cách tiếp cận khác nhau, các quốc gia đã lựa chọn những chính sách khác nhau về hết quyền SHTT. Các nước đang phát triển luôn ưu tiên cơ chế hết quyền quốc tế để có thể mua được sản phẩm với giá hợp lí nhất, đặc biệt là các sản phẩm dược. Trong khi đó, các nước phát triển lại là chủ sở hữu của nhiều bằng sáng chế, nhãn hiệu hơn cả, và do đó các nước này muốn lựa chọn cơ chế hết quyền quốc gia nhằm bảo hộ tốt nhất các tài sản SHTT của nước mình. Chính vì lý do này, khi bước vào quá trình đàm phán hiệp định TRIPS, mà cụ thể là đàm phán về vấn đề hết quyền SHTT, các quốc gia đã có những ý kiến trái chiều rõ nét, thậm chí là xung đột sâu sắc.
Sau nhiều bản dự thảo khác nhau, năm 1991, “bản dự thảo Dunkel” đưa ra Điều 6 – cũng chính là Điều 6 của Hiệp định TRIPS sau này – về hết quyền SHTT: “Nhằm mục đích giải quyết tranh chấp theo Hiệp định này, phù hợp với quy định của các Điều 3 và 4, không được sử dụng một quy định nào trong Hiệp định này để đề cập đến hết quyền SHTT.” Ngôn ngữ của Điều 6 tưởng như đơn giản[1] nhưng nếu xem xét kĩ lại có nhiều điều cần bàn. Khi xem xét Điều 6, mà cụ thể là xem xét mệnh đề đầu tiên của Điều này, có hai luồng quan điểm khác nhau về cách diễn giải của cơ chế hết quyền trong Hiệp định TRIPS:
“Nhằm mục đích giải quyết tranh chấp theo Hiệp định này…”
Cách hiểu thứ nhất cho rằng Điều 6 mang tính “dọn đường”. Nghĩa là, trong quá trình thực thi Hiệp định chắc chắn sẽ phát sinh nhiều tranh chấp. Để việc xử lý các tranh chấp này được thuận tiện, ngay từ đầu (ngay từ thời điểm đàm phán Hiệp định) các quốc gia cần thống nhất luôn một nguyên tắc chung về hết quyền, bởi sự khác biệt cơ chế hết quyền sẽ làm việc xử lý tranh chấp sau này khó khăn và phức tạp. Nguyên tắc chung này được đề cập ở mệnh đề sau của Điều 6.
Cách hiểu thứ hai cho rằng Điều 6 chỉ đơn thuần mang tính “vụ việc”. Nghĩa là khi nào có tranh chấp xảy ra, và những tranh chấp đó liên quan tới Hiệp định TRIPS, thì sẽ xử lý như mệnh đề sau của Điều 6. Những tranh chấp khác nếu không liên quan tới Hiệp định TRIPS thì các quốc gia tuỳ nghi lựa chọn cơ chế hết quyền phù hợp để giải quyết.
Theo tác giả, cách hiểu thứ nhất không hợp lý ở những điểm sau:
(i) Thứ nhất, khi xem xét Điều 28 của Hiệp định về việc thiết lập quyền của chủ sở hữu sáng chế, ta thấy Hiệp định đã dành cho chủ sở hữu sáng chế các quyền cụ thể gồm cả quyền ngăn cấm nhập khẩu. Việc ngăn cấm nhập khẩu đồng nghĩa với việc cơ chế hết quyền quốc tế đối với sáng chế không thể được áp dụng, mà phải áp dụng cơ chế hết quyền quốc gia hoặc hết quyền khu vực.
“Bằng sáng chế phải xác nhận các độc quyền sau đây của chủ sở hữu sáng chế:
-
a) Nếu đối tượng của sáng chế là một sản phẩm, cấm các bên thứ ba thực hiện các hành vi sau đây nếu không được phép của chủ sở hữu: chế tạo, sử dụng, chào bán, bán sản phẩm đó hoặc nhập khẩu sản phẩm đó để thực hiện những mục đích nói trên;
-
b) Nếu đối tượng của sáng chế là một quy trình, cấm các bên thứ ba thực hiện hành vi sử dụng quy trình đó và các hành vi sau đây nếu không được phép của chủ sở hữu: sử dụng, chào bán, bán hoặc nhập khẩu nhằm mục đích đó ít nhất đối với các sản phẩm đã được tạo ra trực tiếp bằng quy trình đó.
Các chủ sở hữu sáng chế cũng phải có quyền chuyển nhượng, để thừa kế quyền sở hữu sáng chế đó và ký kết các hợp đồng li-xăng.”
Tuy nhiên, khi xem xét chú thích 6 của Điều 28, chúng ta thấy chú thích đã nêu như sau: “Quyền này, cũng như các quyền khác theo Hiệp định này đối với việc sử dụng, bán, nhập khẩu hàng hoá hoặc phân phối hàng hoá dưới hình thức khác, phải tuân thủ quy định tại Điều 6”. Chú thích này chỉ ra rằng không được sử dụng nội dung của Điều 28 để đề cập tới vấn đề hết quyền, cũng có nghĩa là Điều 28 không đồng nghĩa với việc các quốc gia buộc phải lựa chọn cơ chế hết quyền quốc tế đối với sáng chế.
(ii) Thứ hai, cũng ở Điều 28, chủ sở hữu sáng chế được quyền ngăn cản bên thứ ba nhập khẩu sản phẩm mang sáng chế mà “không được phép” (without consent) của chủ sở hữu sáng chế. Tuy nhiên, Điều 28 không định nghĩa thế nào là “cho phép” (consent), và phạm vi địa lý của việc “cho phép”. Với cách hiểu thứ nhất – tức là cơ chết hết quyền quốc tế được áp dụng, nhập khẩu sản phẩm mang sáng chế là được phép trên phạm vi toàn thế giới. Lúc này, việc “cho phép” không còn mang ý nghĩa nữa, bởi bất cứ bên thứ ba nào cũng được quyền nhập khẩu sản phẩm đó tới bất cứ nơi nào trên thế giới mà không cần tới sự “cho phép” nữa. Như vậy, cách hiểu thứ nhất mâu thuẫn với nội dung của Điều 28.
(iii) Thứ ba, khi xem xét Tuyên bố Doha về Hiệp định TRIPS và Sức khoẻ cộng đồng được WTO đưa ra ngày 14/11/2011, ta thấy cách hiểu thứ nhất đã bị loại trừ, cụ thể là thông qua nội dung đoạn 5(d) của tuyên bố: “Kết quả của các điều khoản của Hiệp định TRIPs liên quan đến khai thác quyền SHTT là các Thành viên được phép tự do thiết lập cơ chế riêng của mình trong việc khai thác các quyền đó vô điều kiện, theo các điều khoản về tối huệ quốc (MFN) và đối xử quốc gia quy định tại các Điều 3 và 4.”
Như trình bày trên đây, trước và tại thời điểm đàm phán Hiệp định TRIPS mà cụ thể là nội dung về hết quyền SHTT, các Thành viên vẫn đang áp dụng các cơ chế hết quyền SHTT khác nhau. Trong suốt quá trình đàm phán, không có thông tin hay lập luận nào cho thấy các Thành viên đã đi đến được một cơ chế thống nhất duy nhất. Hơn nữa, ngay cả khi Hiệp định TRIPS đã có hiệu lực, các Thành viên vẫn tiếp tục lựa chọn những cơ chế hết quyền khác nhau phù hợp với điều kiện và mục tiêu của mình.
Quay trở lại với đoạn 5(d) trong tuyên bố Doha và Điều 28 của Hiệp định TRIPS. Nếu như đoạn 5(d) thừa nhận các Thành viên có quyền thiết lập cơ chế hết quyền riêng, thì ở Điều 28, vấn đề “cho phép” của chủ thể quyền làm nảy sinh câu hỏi: Liệu việc thiết lập cơ chế hết quyền của các Thành viên có gặp phải ngoại lệ hay giới hạn nhất định nào không?
Cụ thể, khi một nước Thành viên A áp dụng cơ chế hết quyền quốc gia đối với sáng chế, việc nhập khẩu song song vào nước A là không được phép. Song, nếu áp dụng Điều 28, khi chủ thể quyền cho phép một chủ thể khác ở nước B tiến hành nhập khẩu sản phẩm ở nước A, đây có coi là ngoại lệ đối với cơ chế hết quyền quốc gia mà nước A đang áp dụng không?
Một trường hợp khác liên quan tới vấn đề li-xăng bắt buộc. Hiệp định TRIPS thừa nhận rằng các nước Thành viên có quyền yêu cầu cấp li-xăng bắt buộc, đồng thời thiết lập sự kiểm soát đối với quá trình cấp li-xăng. Ở trường hợp này, sáng chế của công dân nước A được bảo hộ ở một nước Thành viên B khác, và nước B buộc công dân nước A phải cấp li-xăng bắt buộc cho sáng chế đó, kèm theo điều khoản cho phép nhập khẩu sản phẩm mang sáng chế vào thị trường nước A. Khi đó, việc nhập khẩu sản phẩm vào nước A có coi là ngoại lệ đối với cơ chế hết quyền mà nước A đang áp dụng không. Vậy, khi đó nước A có chịu ảnh hưởng từ nước B hay không, và liệu có dẫn tới sự lạm quyền từ nước B hay không?
Vế sau của Điều 6 chỉ rõ:
…phù hợp với quy định của các Điều 3 và 4…
Điều 3 của Hiệp định là về việc áp dụng nguyên tắc đối xử quốc gia, nghĩa là các Thành viên của Hiệp định cần đối xử với các chủ thể nước ngoài tương đương như đối xử với chủ thể nước mình trong vấn đề hết quyền. Khi cơ chế hết quyền quốc tế được áp dụng, chủ thể nước ngoài được phép nhập khẩu song song vào một nước thành viên. Trong khi đó, khi cơ chế hết quyền quốc gia được áp dụng, việc nhập khẩu này là không được phép. Từ góc độ chủ thể quyền, rõ ràng cơ chế hết quyền quốc gia được ủng hộ hơn bởi nó hạn chế nhập khẩu từ chủ thể nước khác, qua đó giảm được sự cạnh tranh cho chủ thể quyền. Đối chiếu cơ chế hết quyền quốc gia đối với Điều 3, có thể thấy như sau: Khi sáng chế của một chủ thể nước ngoài (nước B) được bảo hộ ở một nước Thành viên khác (nước A), nếu sản phẩm được sản xuất ở nước A, việc phân phối và lưu thông sản phẩm vẫn diễn ra bình thường. Mặt khác, nếu sản phẩm được sản xuất ở nước B, việc nhập khẩu vào nước A là bị cấm. Điều này không trái với nguyên tắc đối xử quốc gia bởi lẽ các chủ thể ở nước A sản xuất và lưu thông sản phẩm ngay tại nước A, việc nhập khẩu sản phẩm vào nước A của các chủ thể này là không có. Nói cách khác, do không có hoạt động nhập khẩu vào nước A của các chủ thể nước A, nên việc so sánh với hoạt động nhập khẩu vào nước A của các chủ thể nước B là không thoả đáng. Do đó, không có căn cứ để cho rằng nước Thành viên A đã vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia.
Điều 4 của Hiệp định là về việc áp dụng nguyên tắc đối xử Tối huệ quốc, nghĩa là một nước Thành viên phải áp dụng một cơ chế hết quyền thống nhất với các nước Thành viên khác nhau. Chẳng hạn, nếu Hoa Kỳ áp dụng cơ chế hết quyền quốc tế đối với quyền SHTT do chủ thểTrung Quốc nắm giữ, Hoa Kỳ cũng phải áp dụng cơ chế này đối với quyền SHTT do các chủ thể thuộc Liên minh Châu Âu nắm giữ. Điều này có nghĩa việc nhập khẩu từ Trung Quốc và Châu Âu vào Hoa Kỳ là đều được phép. Riêng với cơ chế hết quyền khu vực, hiện còn tồn tại một số quan điểm cho rằng cơ chế này không phù hợp với bản chất của nguyên tắc Tối huệ quốc.
III. Hiệp định TPP về TMSS:
Toàn văn Hiệp định TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) gồm 30 chương và các phụ lục kèm theo, quy định một cách rộng rãi nhiều vấn đề liên quan tới tự do thương mại. Vấn đề SHTT được quy định ở Chương 18 với 83 Điều khoản và 6 Phụ lục. SHTT nói chung, hết quyền SHTT nói riêng là một nội dung quan trọng đã trải qua nhiều vòng đàm phán cam go trước khi có được kết quả cuối cùng. Ở giai đoạn P4, các nước thành viên (gồm Brunei, Chile, New Zealand, Singapore) đề xuất áp dụng cơ chế hết quyền quốc tế. Đây cũng là cơ chế đang được áp dụng tại New Zealand và Singapore tại thời điểm đó. Ngành sản xuất của các quốc gia này tương đối hạn chế về chủng loại sản phẩm, và do đó việc cho phép nhập khẩu song song sẽ giúp các quốc gia này tiếp cận được đa dạng các loại sản phẩm, dịch vụ hơn.
Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi Hoa Kỳ tham gia đàm phán gia nhập. Thứ nhất, việc tồn tại các Hiệp định tự do thương mại riêng rẽ giữa Hoa Kỳ với các nước thành viên P4 khiến việc áp dụng một cơ chế hết quyền thống nhất là không khả thi. Chẳng hạn, theo Hiệp định tự do thương mại Hoa Kỳ – Singapore, Singapore sẽ buộc phải hạn chế/ cấm nhập khẩu song song một số sản phẩm liên quan tới sáng chế. Theo Hiệp định tự do thương mại Hoa Kỳ – Australia, Australia sẽ phải cấm nhập khẩu song song toàn bộ sản phẩm liên quan tới sáng chế. Thứ hai, khi tham gia đàm phán, Hoa Kỳ chủ động đề xuất áp dụng cơ chế hết quyền quốc gia đối với quyền tác giả, bởi Hoa Kỳ đặc biệt coi trọng việc bảo hộ các tác phẩm điện ảnh, âm nhạc của mình.
Tiếp sau Hoa Kỳ, 7 nước khác cũng đàm phán xin gia nhập TPP. Các quốc gia này có những đặc thù kinh tế-xã hội rất khác nhau, dẫn tới việc áp dụng những cơ chế hết quyền cũng hoàn toàn khác nhau. Việc tìm kiếm một cơ chế hết quyền thống nhất trở nên khó khăn. Sau nhiều vòng đàm phán, các nước thống nhất nội dung cơ chế hết quyền như được thể hiện ở Điều 11, Chương 18 của Hiệp định:
Điều 18.11: Hết quyền SHTT
Không nội dung nào trong Thoả thuận này ngăn cản một quốc gia thành viên trong việc xác định có hay không, và với điều kiện nào, hết quyền SHTT sẽ được áp dụng trong hệ thống pháp luật của quốc gia thành viên đó.
Chú thích (8) của Điều này nêu như sau:
(8) Để giải thích rõ ràng/ chắc chăn hơn, Điều khoản này không gây bất lợi/ không làm ảnh hưởng tới bất cứ điều khoản nào về hết quyền SHTT trong các thoả thuận quốc tế mà một thành viên đã tham gia/ ký kết trước đó.
Giống như trường hợp của Hiệp định TRIPS, các nước tham gia đàm phán đã không tìm được tiếng nói thống nhất trong việc lựa chọn cơ chế hết quyền SHTT, và do đó, việc bỏ ngỏ cho các thành viên quyền tự lựa chọn là một giải pháp phù hợp nhất. Nếu so sánh với Điều 6 của Hiệp định TRIPS, câu chữ của Điều 18.11 cũng như của chú thích (8) rõ ràng là dễ hiểu và ít gây tranh cãi hơn hẳn. Theo đó, TPP khẳng định rằng việc áp dụng cơ chế hết quyền SHTT như thế nào hoàn toàn là quyền của mỗi quốc gia thành viên. Chú thích (8) cũng nhấn mạnh thêm rằng, TPP sẽ không ảnh hưởng tới bất cứ Điều ước song phương hay đa phương nào mà các quốc gia thành viên đã ký kết trước đó. Chú thích này dường như đề cập tới một số Hiệp định thương mại tự do giữa Hoa Kỳ với Australia, Singapore… Theo đó, dù Điều 18.11 cho phép các quốc gia tự lựa chọn cơ chế hết quyền, nhưng Australia, Singapore và Hoa Kỳ vẫn phải áp dụng cơ chế hết quyền quốc gia theo nội dung đã thoả thuận trong các Hiệp định thương mại tự do kể trên.
Nếu còn quan điểm nào hoài nghi về tinh thần của Điều 18.11, Điều 18.6 khẳng định TPP sẽ thực thi các cam kết và vận dụng tinh thần của Tuyên bố Doha về Hiệp định TRIPS và Y tế công cộng – mà như đã phân tích ở phần trên, đoạn 5(d) của Tuyên bố khẳng định các Thành viên “được phép tự do” thiết lập cơ chế hết quyền SHTT. Một điểm tương đồng nữa của TPP so với TRIPS là ở chỗ: Hiệp định TPP cũng áp dụng cơ chế đối xử quốc gia trong vấn đề SHTT. Cũng như phân tích ở phần trên về hiệp định TRIPS, cơ chế đối xử quốc gia không ảnh hưởng tới việc xác lập cơ chế hết quyền của một nước thành viên.
Trong suốt quá trình đàm phán TPP, nhiều ý kiến chuyên môn cho rằng sự ưu ái mà Hiệp định TPP giành cho các công ty dược phẩm là một thắng lợi trong đàm phán của Hoa Kỳ. Nhiều điều khoản trong chương SHTT, đặc biệt là các điều khoản liên quan tới sáng chế được coi là những ưu đãi đối với ngành dược phẩm. Chẳng hạn Điều 18.37 quy định: “… bằng độc quyền sáng chế có thể được cấp cho các sáng chế có yêu cầu bảo hộ cho ít nhất một trong các đối tượng sau: các công dụng mới của một sản phẩm đã biết, các phương pháp sử dụng mới của một sản phẩm đã biết, hoặc các quy trình sử dụng mới của một sản phẩm đã biết.” Nếu như theo Hiệp định TRIPS, thời hạn bảo hộ sáng chế là 20 năm[2]. Sau năm thứ 20, sáng chế không còn được bảo hộ nữa, và hệ quả là nó sẽ được công chúng tự do tiếp cận, khai thác. Tuy nhiên, Điều 18.37 được cho là một cách “gia hạn” các sáng chế cũ, bởi chỉ cần đáp ứng được một trong những điều kiện như “công dụng mới” hay “phương pháp sử dụng mới”…, sáng chế sẽ tiếp tục được bảo hộ. Điều này đồng nghĩa với việc công chúng chưa thể tự do tiếp cận, khai thác các sáng chế đó.
Một thắng lợi nữa của Hoa Kỳ, và cũng là thắng lợi của ngành dược phẩm, đó là vấn đề cấp li-xăng bắt buộc. Điều 18.40 thuộc phần Sáng chế của Hiệp định TPP gần như là một quy định tương đương với Điều 30 của Hiệp định TRIPS, vốn là cơ sở cho vấn đề cấp li-xăng bắt buộc. Theo đó, Điều 18.40 quy định:
Một Bên có thể quy định một số giới hạn các ngoại lệ đối với độc quyền theo bằng độc sáng chế, với điều kiện các ngoại lệ này không gây xung đột một cách bất hợp lý tới sự khai thác bình thường của sáng chế và không làm phương hại một cách bất hợp lý tới quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu sáng chế, có tính đến lợi ích hợp pháp của bên thứ ba.[3]
Tuy nhiên, nếu như Hiệp định TRIPS diễn giải rất rõ quy định này ở Điều 31 ngay sau đó, thì Hiệp định TPP bỏ ngỏ nội dung này[4]. Trên thực tế, Điều 18.41 ngay sau đó chỉ quy định như sau:
Các Bên hiểu rằng không quy định nào trong Chương này hạn chế quyền và nghĩa vụ của một Bên theo Điều 31 Hiệp định TRIPS, bất kỳ sự miễn trừ hay bất kỳ sự sửa đổi nào đối với Điều đó mà các Bên chấp nhận.
Điều 18.41 là phép loại trừ bất cứ sự ảnh hưởng nào của TPP đối với các trường hợp cấp li-xăng bắt buộc đang được thực hiện theo Hiệp định TRIPS. Nghĩa là các trường hợp đã và đang cấp li-xăng bắt buộc theo Hiệp định TRIPS thì tiếp tục thực hiện theo Hiệp định TRIPS. Các trường hợp cấp li-xăng bắt buộc theo TPP sẽ thực hiện theo quy định của TPP, không có bất cứ sự chồng chéo nào giữa hai Hiệp định về vấn đề này. Ngoài Điều 18.41, không còn bất cứ điều khoản nào khác hỗ trợ cho Điều 18.40 như cách mà Điều 31 của Hiệp định TRIPS hỗ trợ cho Điều 30. Khi đó, việc giải thích điều 18.40 này trên thực tế sẽ ra sao? Thế nào là bất hợp lý? Thế nào là lợi ích của bên thứ ba?… Điều này chắc chắn sẽ khiến việc áp dụng li-xăng bắt buộc của các nước thành viên trở nên khó khăn. Đây sẽ là cơ sở để các công ty dược phẩm lập luận nhằm chống lại lệnh cấp li-xăng bắt buộc từ phía các quốc gia thành viên. Điều này sẽ khó tránh khỏi dẫn tới tranh chấp. Khi tranh chấp xảy ra, một lần nữa lợi thế lại thuộc về các công ty dược phẩm bởi quy định tại Điều 28.4 thuộc Chương 28 của Hiệp định TPP về cơ chế giải quyết tranh chấp. Cụ thể, Điều 28.4 quy định rằng:
Nếu một tranh chấp về bất kỳ vấn đề nào phát sinh từ Hiệp định và từ hiệp định thương mại quốc tế khác mà các Bên tranh chấp là thành viên, bao gồm Hiệp định WTO, Bên khởi kiện có thể lựa chọn diễn đàn để giải quyết tranh chấp.
Điều 28.4 trao cho các bên quyền lựa chọn cơ chế tài phán để giải quyết tranh chấp, mà cụ thể là trong trường hợp hai bên tranh chấp đồng thời là thành viên của cả WTO và TPP. Các công ty dược phẩm hoàn toàn có thể lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp của TPP thay vì WTO, bởi TPP rõ ràng ưu ái họ hơn.
Hiệp định TPP ra đời sau Hiệp định TRIPS hơn hai mươi năm. Xét riêng về vấn đề hết quyền SHTT, TPP đã kết thừa tinh thần chủ đạo của Hiệp định TRIPS trong việc trao cho các quốc gia thành viên quyền tự lựa chọn cơ chế hết quyền. Ở một chừng mực nhất định, quá trình đàm phán của cả hai Hiệp định TRIPS và TPP đều có dấu ấn mạnh mẽ của Hoa Kỳ – quốc gia có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực SHTT, cũng như có nhiều đòi hỏi về quyền lợi thương mại. Với bản chất là một nền kinh tế lớn, là “mái nhà” của nhiều tập đoàn dược phẩm khổng lồ, Hoa Kỳ luôn cố gắng đạt được một quy định có lợi nhất cho mình, cụ thể là quy định áp dụng cơ chế hết quyền quốc gia. Mặt khác, các quốc gia khác khi đàm phán hai Hiệp định nói trên cũng tìm cách giữ vững được quan điểm của mình bởi đây sẽ là một vấn đề có ảnh hưởng quan trọng, thiết thực tới nền kinh tế của các quốc gia này. Kết quả là dù có khác biệt về câu chữ, song cả hai Hiệp định đều đồng nhất ở chỗ: chưa thể ấn định một cơ chế hết quyền riêng biệt cho tất cả các quốc gia thành viên, mà chỉ dừng lại ở chỗ trao cho quốc gia thành viên quyền tự quyết định cơ chế nào sẽ được áp dụng. Đây là một giải pháp tình thế phù hợp, bước đầu thể hiện rằng các quốc gia đã dành sự quan tâm nhất định tới vấn đề này. Đồng thời, rất có thể nó sẽ tạo đà hoặc đúc kết những kinh nghiệm cần thiết cho việc đàm phán các ĐƯQT đa phương trong tương lai.
Tuy nhiên, TPP – như đã phân tích ở trên – là một thắng lợi đối với ngành công nghiệp dược phẩm. Điều này thể hiện tại nhiều quy định trong Chương về SHTT. Đối với vấn đề hết quyền SHTT, điều này được thể hiện thông qua quy định về cấp li-xăng bắt buộc như đã nêu ở trên. Chưa thể đánh giá ngay ảnh hưởng từ quy định này tới các quốc gia thành viên, cũng như tới từng nhóm chủ thể khác nhau (chủ thể quyền, người tiêu dùng), song đây rõ ràng là một quy định đáng lưu ý trong quá trình các quốc gia thực hiện các quy định của Hiệp định TPP .
Hiện tại, Hoa Kỳ đã rút lui khỏi việc đàm phán Hiệp định TPP. Tương lại của Hiệp định này vẫn còn bị bỏ ngỏ. Tuy nhiên, đứng dưới khía cạnh luật học, việc nghiên cứu bản dự thảo của Hiệp định TPP cũng rất cần thiết để qua đó thấy được sự vận động, hình thành và phát triển của vấn đề này trên tầm quốc tế./.
[1] Theo tác giả, ngôn ngữ và cấu trúc của Điều 6 trong bản gốc tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt rất khớp nhau, không xảy ra hiện tượng khác biệt về văn phong, về ngữ pháp và từ vựng dẫn tới việc bản dịch phải thoát ý như thường thấy ở nhiều bản dịch khác. Đây là một thuận lợi khi nghiên cứu Điều 6 nói riêng.
[2] Điều 33 Hiệp định TRIPS quy định: “Thời hạn bảo hộ của Sáng chế không được kết thúc trước khi hết 20 năm tính từ ngày nộp đơn”.
[3] Điều 30 của Hiệp định TRIPS quy định như sau: “Các Thành viên có thể quy định một số ngoại lệ nhất định đối với các độc quyền được cấp trên cơ sở patent với điều kiện là các ngoại lệ đó không mâu thuẫn với việc khai thác bình thường patent đó và không làm tổn hại một cách bất hợp lý tới lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu patent, và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba.”
[4] Trading Away Health: How the U.S.’s Intellectual Property Demands for the Trans-Pacific Partnership Agreement Threaten Access to Medicines (2012) – tr. 17: