Bằng sáng chế là độc quyền của chủ sở hữu được nhà nước cấp quyền để ngăn chặn việc người khác khai thác bằng sáng chế với mục đích thương mại trong thời hạn, đổi lại chủ sở hữu phải bộc lộ công khai sáng chế để công chúng có thể tiếp cận được với sáng chế. Để có được độc quyền sáng chế, người nộp đơn phải nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế vào Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Cục SHTT) và đơn đăng ký sẽ được thẩm định để xem xét khả năng cấp bằng sáng chế. Sau khi đơn chính thức được chấp nhận, sẽ công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp. Theo Luật và các quy định về Sở hữu trí tuệ của Việt Nam, Điều 112 của Luật Sở hữu Trí tuệ, bất kỳ bên thứ ba nào cũng có thể gửi phản đối bằng văn bản cho Cục SHTT để phản đối việc cấp hoặc từ chối cấp bằng sáng chế bất cứ lúc nào trong thời gian kể từ ngày công bố đơn cho đến ngày cấp bằng sáng chế. Theo thực tiễn sáng chế ở Việt Nam, không có giai đoạn giải quyết phản đối đơn độc lập. Phản đối đơn được giải quyết trong giai đoạn thẩm định nội dung.
Thủ tục phản đối đơn sáng chế trước khi cấp bằng được tóm tắt bằng sơ đồ sau đây:
Phản đối đơn có thể được nộp dựa trên một trong những căn cứ sau đây:
– Sáng chế không đáp ứng các tiêu chuẩn về khả năng cấp bằng sáng chế;
– Người nộp đơn không phải là người có quyền nộp đơn đăng ký sáng chế; và
– Không có sự đồng ý nộp đơn của một trong số những người có quyền nộp đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp có nhiều người có quyền nộp đơn.
Thời hạn để bên thứ ba nộp phản đối đơn được tính kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp cho đến trước ngày có quyết định cấp Văn bằng bảo hộ. Hơn nữa, bên thứ ba cần lưu ý rằng ý kiến bằng văn bản về phản đối đơn đối với đơn đăng ký sáng chế phải liên quan đến quyền đăng ký và/hoặc khả năng cấp bằng của đơn sáng chế.
Tuy nhiên, bài viết này sẽ đề cập đến khía cạnh về việc cung cấp tình trạng kỹ thuật trong giai đoạn thẩm định nội dung từ bên thứ ba để phản đối chống lại khả năng cấp bằng sáng chế của đơn sáng chế đang được thẩm định cũng như hiệu quả của nó.
Nghiên cứu cụ thể
Hiệu quả của việc cung cấp thông tin tình trạng kỹ thuật trong tiến trình thẩm định từ bên thứ ba sẽ được phân tích dựa trên tác động của hành vi này đối với người nộp đơn, bên thứ ba và Cục sở hữu trí tuệ.
(i) Tác động đến bên thứ ba
Cung cấp tình trạng kỹ thuật sáng chế là cách bảo vệ một cách có hiệu quả cho bên thứ ba trong thị trường cạnh tranh
Như chúng ta đã biết, sáng chế có thể biến đổi ý tưởng thành các sản phẩm cạnh tranh mà có thể làm tăng đáng kể lợi nhuận cho doanh nghiệp. Khi có bằng sáng chế, doanh nghiệp có thể sử dụng bằng sáng chế để nhận thù lao bằng cách chuyển giao quyền sử dụng các bằng sáng chế cho tổ chức hoặc cá nhân khác có thể thương mại hóa chúng.
Chủ sở hữu bằng sáng chế có quyền độc quyền, do đó, người đó có quyền khai thác sáng chế trong vòng 20 năm kể từ ngày nộp đơn. Thông qua các quyền độc quyền, chủ sở hữu có thể ngăn chặn những người khác sử dụng bằng sáng chế cho mục đích thương mại, làm giảm sự cạnh tranh từ những người khác. Nói cách khác, nếu các sản phẩm cạnh tranh của đối thủ cạnh tranh thành công, đặc biệt, một đối thủ cạnh tranh mạnh hơn sẽ sản xuất các sản phẩm với giá rẻ hơn chiếm ưu thế trên thị trường. Thậm chí bất kỳ công ty cạnh tranh nhỏ hơn nào cũng có thể sản xuất các sản phẩm tương tự để được bán với giá thấp hơn vì họ không mất bất kỳ chi phí đầu tư nào cho nghiên cứu và phát triển như chủ sở hữu bằng sáng chế. Bên cạnh việc bị cạnh tranh, chủ sở hữu bằng sáng chế có thể bị cản trở trong việc chuyển giao quyền sử dụng bằng sáng chế.
Bên thứ ba có thể là bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào như các tác giả sáng chế độc lập, trường đại học, công ty hoặc có thể là công ty luật thay mặt cho bất kỳ ai có xung đột với người nộp đơn đăng ký sáng chế. Nếu bên thứ ba là chủ sở hữu bằng sáng chế, xung đột có thể là việc xâm phạm phạm vi bảo hộ của bằng sáng chế được cấp. Trong trường hợp bên thứ ba đã sản xuất và chuẩn bị bán các sản phẩm không được đăng ký bảo hộ bằng sáng chế, xung đột sẽ xảy ra khi một sản phẩm tương tự của người nộp đơn được cấp bằng sáng chế. Do đó, điều quan trọng là bên thứ ba phải chủ động theo dõi thị trường để phát hiện việc xung đột quyền với sáng chế. Khi bên thứ ba phát hiện ra xung đột với các dấu hiệu của giải pháp kỹ thuật của mình, ví dụ, một giải pháp kỹ thuật tương đương đã được nộp cho Cục SHTT để đăng ký bảo hộ sáng chế, họ có thể gửi ý kiến bằng văn bản cho Cục SHTT để phản đối bằng sáng chế áp dụng theo quy định tại Điều 112 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Phản đối đơn của bên thứ ba có thể thành công hoặc không thành công. Thông thường, có ba kết quả từ phản đối đơn như sau.
Thứ nhất, đơn bị từ chối cấp bằng sáng chế có nghĩa là việc cung cấp thông tin tình trạng kỹ thuật sáng chế từ bên thứ ba chứng minh được đơn sáng chế không đáp ứng được khả năng cấp bằng sáng chế như mong muốn của bên thứ ba. Theo đó, bên thứ ba có thể tự tin bán sản phẩm trên thị trường.
Thứ hai, đơn sáng chế được cấp bằng là do phản đối đơn bị từ chối vì tình trạng kỹ thuật sáng chế không có cơ sở để chứng minh rằng đơn sáng chế không đáp ứng được khả năng cấp bằng, hoặc phản đối đơn bị rút bởi bên thứ ba do thỏa thuận giữa bên thứ ba và người nộp đơn.
Thứ ba, đơn sáng chế được cấp bằng sau khi được sửa đổi. Nói cách khác, phạm vi yêu cầu bảo hộ của đơn bị thu hẹp. Trong quá trình phản đối đơn, người nộp đơn nộp sửa đổi của yêu cầu bảo hộ liên quan đến tình trạng kỹ thuật được cung cấp bởi bên thứ ba để tạo ra sự khác biệt đơn sáng chế đang thẩm định với tình trạng kỹ thuật. Kết quả của việc này là đơn bị phản đối vẫn được cấp bằng sáng chế. Việc cấp bằng sáng chế cho người nộp đơn có thể là không mong muốn cho bên thứ ba. Tuy nhiên, việc sửa đổi bộ yêu cầu bảo hộ có thể là do bên thứ ba mong muốn thu hẹp phạm vi bảo hộ của đối thủ cạnh tranh. Điều này có thể dẫn đến việc làm rõ phạm vi hoạt động kinh doanh cũng như phân định tốt hơn ranh giới của danh mục đầu tư giữa các đối thủ cạnh tranh để các doanh nghiệp có thể đầu tư có hiệu quả.
(ii) Tác động lên Cục SHTT
Nâng cao chất lượng thẩm định nội dung và cấp bằng sáng chế với khai thác hiệuquả kỹ thuật và kinh tế
Kể từ khi chính sách mở cửa, Việt Nam đã tiếp cận và thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực sở hữu trí tuệ để hội nhập thương mại thế giới. Tuy nhiên, vì là một nước đang phát triển với lĩnh vực sở hữu trí tuệ non trẻ nên khó đảm bảo chất lượng của việc thẩm định để cấp bằng sáng chế có chất lượng nhất để có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế và kỹ thuật ở Việt Nam.
Không có gì có thể đảm bảo rằng Cục SHTT sẽ có thể thẩm định đơn sáng chế chính xác nếu tiến trình thẩm định là cần thiết để tìm kiếm tình trạng kỹ thuật trên phạm vi toàn thế giới. Việc cung cấp thông tin tình trạng kỹ thuật sáng chế của bên thứ ba có thể là nền tảng duy nhất cho Cục SHTT quyết định đơn sáng chế có các dấu hiệu kỹ thuật tương đương được cấp hay không. Điều này dẫn đến việc thẩm định được tiến hành một cách triệt để.
Việc cung cấp tình trạng kỹ thuật không chỉ mang lại lợi ích cho bên thứ ba trong việc cạnh tranh mà còn nâng cao chất lượng của tiến trình thẩm định trong trường hợp thẩm định viên không thể tìm thấy tình trạng kỹ thuật có đối tượng gần nhất với đơn được thẩm định. Việc cấp bằng sáng chế có chất lượng kém sẽ gây ra gánh nặng đối với xã hội bao gồm các tác động kinh tế như sử dụng tài nguyên không hiệu quả và gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế. Ví dụ, các nhà đầu tư sẽ lãng phí thời gian và chi phí cho sản xuất sản phẩm từ các bằng sáng chế chất lượng xấu. Nếu một bằng sáng chế không đảm bảo tính mới hoặc sáng tạo, nó sẽ gây ra tranh chấp kéo dài không cần thiết của chủ sở hữu do lãng phí thời gian và tiền bạc của mỗi bên.
Mặt khác, phản đối đơn trong tiến trình thẩm định là một thách thức đối với khả năng cấp bằng sáng chế của đơn đăng ký sáng chế. Khi đơn sáng chế vấp phải sự phản đối về tính mới, trình độ sáng tạo từ bên thứ ba, nó được coi là cơ hội để người nộp đơn sửa đổi bộ yêu cầu có liên quan đến tình trạng kỹ thuật để tạo ra sự khác biệt đơn sáng chế với tình trạng kỹ thuật trước thẩm định viên trong quá trình theo đuổi đơn. Điều này góp phần làm cho việc cấp bằng sáng chế là khả thi. Theo đó, việc cung cấp tình trạng kỹ thuật sáng chế của bên thứ ba có thể ngăn chặn hậu quả của việc xâm phạm hoặc bị huỷ bỏ hiệu lực sau khi cấp bằng sáng chế.
Trong một số trường hợp hiếm hoi ở Việt Nam, việc cung cấp tình trạng kỹ thuật cho Cục SHTT để chứng minh rằng chủ đơn không phải là người có quyền nộp đơn đăng ký sáng chế, Cục SHTT không thể xác nhận ý kiến đó có phù hợp hay không, Cục SHTT sẽ thông báo cho bên thứ ba nộp đơn lên toà án để giải quyết. Nếu trong thời hạn một tháng kể từ ngày ra thông báo, bên thứ ba không có ý kiến trả lời Cục SHTT rằng bên thứ ba đã nộp đơn cho toà án giải quyết, thì bên thứ ba được coi là đã bị rút bỏ ý kiến phản đối. Nếu Cục SHTT được thông báo bởi bên thứ ba rằng bên thứ ba đã nộp đơn lên tòa án giải quyết, Cục SHTT sẽ đình chỉ việc xử lý đơn để chờ quyết định giải quyết tranh chấp của Tòa án. Sau khi nhận được quyết định của Tòa án, việc xử lý đơn sẽ tiếp tục phù hợp với quyết định của Tòa án. Trong tình huống này, việc tiến hành thẩm định đơn có thể bị kéo dài nếu quyết định của Tòa án nghiêng về phía người nộp đơn, sau đó thẩm định viên sẽ tiếp tục thẩm định dựa trên các tình trạng kỹ thuật khác. Ngược lại, tiến trình thẩm định được rút ngắn nếu bên thứ ba thành công hoặc người nộp đơn rút đơn, việc thẩm định sẽ được kết thúc sau đó.
Do còn một số hạn chế trong việc tìm kiếm các tình trạng kỹ thuật, cụ thể là cơ sở hạ tầng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, việc thẩm định viên Cục SHTT tiến hành tra cứu và thẩm định đơn trên phạm vi rộng là khó. Việc cung cấp tình trạng kỹ thuật từ bên thứ ba là để tiến hành thẩm định đơn đăng ký sáng chế một cách hữu ích. Thông qua việc cung cấp tình trạng kỹ thuật, thẩm định viên có thể thẩm định đơn sáng chế triệt để hơn để có thể ban hành bằng sáng chế chất lượng cao và loại bỏ bằng sáng chế chất lượng thấp khỏi hệ thống bằng sáng chế.
(iii) Tác động đối với người nộp đơn
Tình trạng kỹ thuật sáng chế được gửi từ bên thứ ba chắc chắn là điều không mong muốn đối với người nộp đơn vì điều này gây ra trở ngại trong tiến trình thẩm định cho đơn. Đây không chỉ là thách thức đối với khả năng cấp bằng sáng chế của đơn mà còn là một yếu tố làm cho thời gian thẩm định kéo dài.
Như đã đề cập trên đây, phản đối đơn có thể thành công hoặc không thành công. Ở khía cạnh của người nộp đơn, kết quả của phản đối đơn có tác động sau đây đối với người nộp đơn.
– Phản đối đơn của bên thứ ba thành công, đơn bị từ chối cấp bằng sáng chế vì không đáp ứng khả năng cấp bằng của sáng chế. Lợi ích thuộc về các đối thủ. Dĩ nhiên, người nộp đơn bị tổn thất chi phí theo đuổi đơn.
– Phản đối bị từ chối bởi thẩm định viên, hoặc phản đối đơn bị rút bởi bên thứ ba, đơn được được cấp bằng. Theo đó, người nộp đơn có thể yên tâm để thực thi các quyền đối với bằng sáng chế của mình khi văn bằng bảo hộ có hiệu lực.
– Đơn được cấp bằng sáng chế sau khi được sửa đổi sửa đổi. Nhìn chung, xung đột giữa người nộp đơn và đối thủ xảy ra khi phạm vi bảo hộ của đơn đăng ký rộng hơn so với tình trạng kỹ thuật. Do đó, việc cung cấp tình trạng kỹ thuật từ bên thứ ba nhằm huỷ bỏ hiệu lực đơn hoặc ít nhất là thu hẹp phạm vi bảo hộ của đơn đăng ký sáng chế đang chờ xử lý. Trong trường hợp này, người nộp đơn cần nỗ lực rất lớn để thực hiện việc sửa đổi yêu cầu bảo hộ nhằm tạo ra sự khác biệt giữa đơn sáng chế với tình trạng kỹ thuật. Nhờ hành động này, đơn bị phản đối vẫn có thể được cấp bằng độc quyền. Việc cấp bằng sáng chế cho người nộp đơn có thể là điều không mong muốn cho bên thứ ba. Tuy nhiên, việc sửa đổi bộ yêu cầu bảo hộ lại có thể là mong muốn của bên thứ ba khi phạm vi bảo hộ của đối thủ cạnh tranh bị thu hẹp. Điều này có thể dẫn đến việc làm rõ phạm vi hoạt động kinh doanh cũng như phân định tốt hơn ranh giới của danh mục đầu tư giữa các đối thủ cạnh tranh để các doanh nghiệp có thể đầu tư một cách có hiệu quả.
Tình trạng phản đối đơn sáng chế ở giai đoạn trước khi cấp bằng tại Việt Nam
Hiện nay, phản đối đơn sáng chế tại Việt Nam với sự tham gia của bên thứ ba trong tiến trình thẩm định vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt, tính đến cuối năm 2014, có 4447 đơn sáng chế và 7 phản đối đơn sáng chế giai đoạn trước cấp bằng (khoảng 0,16% so với sáng chế đơn xin) nộp cho Cục SHTT; tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2015, Cục SHTT đã nhận được 5033 đơn đăng ký sáng chế và có 9 phản đối 7 đơn sáng chế ở giai đoạn trước khi cấp bằng (khoảng 0,18% so với đơn sáng chế đã nộp), năm 2016, có 5228 đơn đăng ký sáng chế được nộp vào Cục SHTT và có 5 phản đối đơn sáng chế trước cấp bằng khi cấp (khoảng 0,095% so với đơn đăng ký sáng chế đã nộp). Có thể nói rằng số lượng phản đối đơn sáng chế ở giai đoạn trước khi cấp được nộp hàng năm đến Cục SHTT thấp hơn số lượng đơn đăng ký sáng chế và đơn đăng ký được cấp (1368 bằng sáng chế trong năm 2014; 1388 bằng sáng chế trong năm 2015; 1423 bằng sáng chế trong năm 2016).
Nguyên nhân của phản đối đơn thấp là trong những năm gần đây, mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được quyền sở hữu trí tuệ, tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhận thức được thị trường cũng như tích cực tìm kiếm thông tin về giải pháp kỹ thuật liên quan được nộp vào Cục SHTT để đưa ra hành động kịp thời nhằm ngăn chặn một giai đoạn cạnh tranh từ sơ khởi mà trong đó các sản phẩm cạnh tranh chưa có mặt trên thị trường. Việc giám sát các giải pháp kỹ thuật liên quan cần được xem xét là chiến lược nghiên cứu và phát triển công nghệ mới của doanh nghiệp để tránh việc kiện tụng gây lãng phí thời gian và tiền bạc trong tương lai.
Vì vậy, cần thiết phải tuyên truyền lợi ích của việc cung cấp tình trạng kỹ thuật sáng chế từ bên thứ ba để thúc đẩy làm rõ phạm vi hoạt động kinh doanh, phân định kế hoạch đầu tư cũng như nâng cao chất lượng thẩm định để cấp bằng sáng chế tốt nhất. Hơn nữa, bằng sáng chế có chất lượng sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư như là kết quả của việc thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp và nền kinh tế cho một nước đang phát triển như Việt Nam.