INVESTIP tham gia đóng góp ý kiến về việc điều chỉnh Luật sở hữu trí tuệ

INVESTIP tham gia đóng góp ý kiến về việc điều chỉnh Luật sở hữu trí tuệ

Categories Bản tin

Hiện nay tại Việt Nam vẫn đang tồn tại một số bất cập ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thực thi và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), rất cần đến sự chỉ đạo và đổi mới từ các cơ quan có thẩm quyền.

Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết đó, Chính phủ đang hoàn thiện Tờ trình và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT.

Cụ thể, đối với “Điều 211. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính”, trong Dự thảo của Chính phủ đưa ra hai (2) phương án:

Phương án 1:

Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 211 như sau:

a) Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội;”

Phương án 2: Giữ nguyên quy định hiện hành

Là tổ chức xã hội – nghề nghiệp phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực SHTT trên phạm vi cả nước, Hội SHTT Việt Nam đã lấy ý kiến của các hội viên để cùng trao đổi, thống nhất và đưa ra đề xuất.

INVESTIP với tư cách là một đại diện SHTT, một Hội viên của Hội SHTT Việt Nam, tham gia đóng góp một số ý kiến như sau:

Với phương án 1: Không ủng hộ Phương án này.

INVESTIP cho rằng sự sửa đổi như trong dự thảo khiến phạm vi quá hẹp và sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả công tác bảo vệ và thực thi quyền SHTT.

Về cơ sở thực tiễn: Hàng loạt các hành vi vi phạm pháp luật phổ biến hiện nay liên quan đến hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo… bao gồm cả hành vi cạnh tranh không lành mạnh về SHTT nếu không được xử lý nhanh chóng, kịp thời bằng các biện pháp và chế tài hành chính.

Cho đến nay biện pháp hành chính vẫn là biện pháp chủ yếu và được chứng minh hiệu quả nhất trong hoạt động thực thi quyền SHTT tại Việt Nam.

Về khía cạnh tuân thủ các cam kết quốc tế và nhằm thu hút đầu tư: Quyền của các chủ sở hữu nhãn hiệu hợp pháp, các nhãn hiệu nổi tiếng..., và các quyền SHTT khác có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực thi cam kết quốc tế về bảo vệ và thực thi quyền SHTT, hình ảnh về môi trường đầu tư, môi trường pháp lý của Việt Nam qua đó cũng chịu tác động theo hướng bất lợi và xấu đi.

Với phương án 2:  INVESTIP ủng hộ và đề nghị sửa đổi thêm như sau:

Đối với điểm a) Khoản 1 để đảm bảo tính khả thi trên thực tế cũng như làm rõ hơn cơ sở pháp lý cho hoạt động thực thi bảo vệ quyền bằng biện pháp Hành chính. Cụ thể là đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT thì trong thủ tục và biện pháp xử lý hành chính không cần và không bắt buộc chủ thể quyền phải chứng minh thiệt hại (trừ phi kiện đòi bồi thường Dân sự…)

Tiếp nhận và tổng hợp ý kiến từ các hội viên, mới đây, ngày 20/8/2021, Hội SHTT Việt Nam đã gửi công văn đến các cơ quan chức năng về việc Đóng góp ý kiến về phương án sửa đổi Điều 211 Luật SHTT, cụ thể đưa ra đề xuất như sau:

(1)        Không lựa chọn Phương án 1;

(2)        Lựa chọn Phương án 2, với một số sửa đổi như sau:

- Điều 211.1(a) được sửa đổi như sau:

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây bị xử phạt vi phạm hành chính:

a) Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

- Bổ sung thêm hành vi “xuất khẩu” vào khoản b và c, Điều 211.1 nhằm tương thích với các quy định của EVFTA....

Hi vọng rằng, với sự đồng thuận và tinh thần cầu thị, việc áp dụng pháp luật về thực thi và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính tại Việt Nam sẽ sớm được thống nhất và thực hiện một cách hiệu quả giữa các cấp và các cơ quan chức năng khác nhau trên phạm vi cả nước.

Công ty Sở hữu công nghiệp INVESTIP

 

Đối tác của chúng tôi