Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13/11/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022 (“Luật số 67/2020/QH14”). Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều, trong đó, 16 điều sửa đổi, bổ sung toàn diện; sửa kỹ thuật 11/142 điều; bổ sung 04 điều; bãi bỏ 03 điều của Luật XLVPHC hiện hành.
1. Những quy định chung
1.1. Về thuật ngữ tái phạm
Giữa quy định về tái phạm tại khoản 5 Điều 2 Luật XLVPHC năm 2012 và quy định về vi phạm hành chính nhiều lần tại khoản 6 Điều 2 Luật XLVPHC năm 2012 chưa có sự phân biệt rõ ràng, do vậy, khoản 1 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 2 Luật XLVPHC năm 2012 về giải thích từ ngữ “tái phạm”, theo đó, tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt; cá nhân đã bị ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà lại thực hiện hành vi thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đó.
1.2. Về xử lý hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
Điểm d khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC năm 2012 quy định: một người “vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm”. Trong khi đó, điểm b khoản 1 Điều 10 Luật XLVPHC năm 2012 lại quy định: “vi phạm hành chính nhiều lần” là tình tiết tăng nặng, theo đó, đây là tình tiết được người có thẩm quyền xem xét khi quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Quá trình thực hiện các quy định này gặp vướng mắc do các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực không quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính nhiều lần nào thì bị xử phạt về từng lần vi phạm, trường hợp nào thì bị xử phạt 01 lần và áp dụng tình tiết tăng nặng "vi phạm hành chính nhiều lần". Do vậy, để khắc phục bất cập nêu trên, khoản 2 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC năm 2012 quy định cụ thể về nguyên tắc xử phạt theo hướng một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định áp dụng tình tiết tăng nặng. Như vậy, về cơ bản trường hợp "vi phạm hành chính nhiều lần" sẽ bị xử phạt về từng hành vi vi phạm; chỉ bị xử phạt 01 lần và áp dụng tình tiết tăng nặng "vi phạm hành chính nhiều lần" khi có quy định cụ thể của Chính phủ (tại các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực) về áp dụng tình tiết tăng nặng đối với trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần đó.
1.3. Về thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính
Liên quan đến thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính, khoản 4 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 bổ sung điểm đ vào khoản 2 Điều 6 Luật XLVPHC năm 2012 quy định thời điểm để tính thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong trường hợp cá nhân bị đề nghị cố tình trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Theo đó, trong thời hạn được quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này mà cá nhân cố tình trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì thời hiệu XLVPHC được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đó.
2. Về xử phạt vi phạm hành chính
2.1. Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực
Tại thời điểm hiện nay, mức phạt tiền sau gần 08 năm (tính từ thời điểm ban hành Luật XLVPHC năm 2012 là quá thấp so với sự phát triển kinh tế - xã hội. Một số hành vi vi phạm trong các lĩnh vực xảy ra ngày càng phổ biến, tinh vi, nguồn thu lợi bất hợp pháp là rất lớn, gây hậu quả lớn đến xã hội, làm thiệt hại kinh tế, thậm chí làm ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe của người dân nhưng mức phạt tối đa áp dụng đối với hành vi vẫn chưa tương xứng với tính chất, mức độ của vi phạm, thiếu tính răn đe và không đủ sức phòng ngừa, hạn chế vi phạm hành chính mới.
2.2. Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Một là, Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung tên gọi, bãi bỏ một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xuất phát từ việc một số cơ quan, đơn vị được sắp xếp lại tổ chức bộ máy, chính vì vậy, cơ cấu, tổ chức, tên gọi của một số cơ quan, đơn vị cũng như các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã có sự thay đổi, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung một số chức danh mới có thẩm quyền xử phạt trong các lĩnh vực quản lý nhà nước cũng như bãi bỏ một số chức danh đã được quy định trong Luật nhưng hiện nay không còn thẩm quyền xử phạt.
Hai là, Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi quy định về thẩm quyền xử phạt của một số chức danh theo hướng tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Ba là, Khoản 27 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 53 năm 2012 quy định cụ thể về những trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt có sự thay đổi về tên gọi, đồng thời với thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc không có sự thay đổi về tên gọi nhưng có sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Theo đó, trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Luật này có sự thay đổi về tên gọi nhưng không có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì thẩm quyền xử phạt của chức danh đó được giữ nguyên. Trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì thẩm quyền xử phạt của chức danh đó do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2.3. Về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính
Một là, Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, cụ thể là:
- Tăng thời hạn định giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại khoản 3 Điều 60 Luật XLVPHC từ 24 giờ lên 48 giờ (điểm đ, khoản 73 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14).
- Quy định thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 66 Luật XLVPHC là tương đối ngắn, bao gồm cả thứ Bảy, Chủ nhật, ngày nghỉ lễ, tết nên gây nhiều khó khăn cho người xử phạt, nhất là lập biên bản vào ngày cuối tuần, nghỉ lễ tết; đặc biệt là khi vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt. Chính vì vậy, khoản 34 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 66 theo hướng từ tính ngày sang ngày làm việc và tăng thời hạn xử phạt đối với vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật này.
Hai là, bổ sung các quy định về lập biên bản vi phạm hành chính (khoản 29 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 58 Luật XLVPHC năm 2012), cụ thể như sau:
- Quy định theo hướng quy định nguyên tắc “phải kịp thời lập biên bản”; đồng thời, Luật cũng bổ sung quy định về việc lập, gửi biên bản vi phạm hành chính, theo đó, biên bản vi phạm hành chính có thể được lập, gửi bằng phương thức điện tử đối với trường hợp cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.
- Nơi lập biên bản vi phạm hành chính: Luật số 67/2020/QH14 quy định biên bản vi phạm hành chính phải được lập tại nơi xảy ra hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.
- Luật số 67/2020/QH14 đã quy định rõ là phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Ba là, Khoản 32 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 64 Luật XLVPHC năm 2012 theo hướng mở rộng lĩnh vực được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính; đồng thời, giao Chính phủ quy định quy trình chuyển hóa kết quả thu được từ các phương tiện, thiết bị do các cá nhân, tổ chức cung cấp thành chứng cứ để xác định vi phạm hành chính.
3. Về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính
3.1. Về biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề
Một là, khoản 64 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 bổ sung vào khoản 3 Điều 125 Luật XLVPHC năm 2012 quy định thẩm quyền tạm giữ không phụ thuộc vào giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Hai là, khoản 64 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề tại các khoản 4 và 9 Điều 125 Luật XLVPHC năm 2012 theo hướng: (i) Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đang giải quyết vụ việc lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; sau đó, trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo thủ trưởng của mình là người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xem xét ra quyết định tạm giữ; (ii) Bỏ quy định về việc người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phải ký vào biên bản tạm giữ.
Phòng Thực thi quyền Sở hữu trí tuệ
Công ty Sở hữu công nghiệp INVESTIP