Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Categories Bản tin

Thời gian qua, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác thực thi quyền sở hữu công nghiệp nhằm đẩy lùi nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Theo báo cáo, năm 2020 tính tổng số trên cả nước đã có 2.457 vụ xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được thực hiện, trong đó chủ yếu là về nhãn hiệu với 2.455 vụ, tổng số tiền phạt là 21.533.347.000 đồng với hơn 200.000.000 sản phẩm bị xử lý.

Số liệu nêu trên cho thấy số vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được xử lý giảm 25% số vụ (năm 2019 là 3.293 vụ), giảm 19% tổng số tiền phạt (năm 2019 là 26.536.667.000 đồng) so với năm 2019. Việc xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp ở các địa phương tập trung chủ yếu vào đối tượng hàng xâm phạm quyền về nhãn hiệu. Hình thức xử phạt được áp dụng chủ yếu là phạt cảnh cáo, phạt tiền và tịch thu hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ.

Năng lực chuyên môn của cán bộ các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã được cải thiện và có chuyển biến tích cực. Các cơ quan thực thi quyền sở hữu công nghiệp của nhiều địa phương đã có sự chủ động hơn trước trong việc đánh giá, xem xét và xử lý các hành vi xâm phạm quyền.

Đây cũng là kết quả của những nỗ lực từ phía các địa phương cũng như từ phía Cục Sở hữu trí tuệ trong việc tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo kiến thức, pháp luật cho cán bộ các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng và Thanh Hóa là những địa phương dẫn đầu về việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (thành phố Hồ Chí Minh xử lý 934 vụ, xử phạt 10.206.150.000 đồng; Lâm Đồng xử lý 619 vụ, xử phạt 2.198.430.000 đồng, Thanh Hóa xử lý 280 vụ, xử phạt 2.161.000.000 đồng).

Trong tình hình hiện nay, khi tính hiệu quả của công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc đàm phán để ký kết đang có xu hướng đặt ra các yêu cầu ngày càng cao và khắt khe hơn, thì vấn đề cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ của nước ta đang trở thành nhiệm vụ có tính cấp bách.

Để làm được điều này, đòi hỏi cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức chuyên môn về sở hữu công nghiệp đối với cán bộ các cơ quan thực thi quyền sở hữu công nghiệp, thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các cơ quan thực thi quyền sở hữu công nghiệp với nhau và với các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp ở cả Trung ương và địa phương.

Theo Thuonghieucongluan

Đối tác của chúng tôi