Nhu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam

Nhu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam

Categories Bản tin

     Thực trạng và thách thức bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm thủy sản

     Việt Nam là nước nông nghiệp nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, thiên nhiên ưu đãi, do đó các đặc sản của địa phương chủ yếu là nông sản, trong đó có nhiều đặc sản quý đã được bảo hộ. Có thể kể đến như: i) Trái cây: xoài Bình Phước, bưởi Năm Roi, bưởi Đoan Hùng, bưởi Phúc Trạch, mít Hồng Ngự, chôm chôm Long Khánh, nho Ninh Thuận, cam Vinh, nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, dâu tây Đà Lạt, thanh long Bình Thuận, hồng không hạt Bắc Kạn…; ii) Dược liệu: sâm Ngọc Linh, ba kích Quảng Ninh, quế vỏ Văn Yên, hoa hồi Lạng Sơn…; iii) Thực phẩm: cừu Ninh Thuận, dê Ninh Bình, gà Tiên Yên, gà Đông Tảo, lợn Móng Cái, gạo tám xoan Hải Hậu, gạo Điện Biên, yến sào Khánh Hòa, tôm khô Vĩnh Kim, hạt dẻ Trùng Khánh…; iv) Đồ uống: vang Đà Lạt, rượu Bầu Đá, rượu cần Hòa Bình, cà phê Buôn Mê Thuột, chè Suối Giàng, chè Mộc Châu, chè Tân Cương, mật ong Mèo Vạc, mật ong Sơn La mía tím Hòa Bình...; v) Đồ mỹ nghệ: nón Huế, gốm sứ Bát Tràng, đồng Đại Bái…; vi) Hoa: hoa Đà Lạt, hoa mai Yên Tử, hoa đào Nhật Tân…

     Bên cạnh đó, tiềm năng phát triển thủy sản ở nước ta cũng rất lớn nhờ có bờ biển dài và nhiều hệ thống sông ngòi. Hiện nay, nước ta có hơn 600 cơ sở sản xuất thủy sản ở quy mô công nghiệp. Sản lượng thủy sản bao gồm khai thác và đánh bắt đạt hàng triệu tấn. Ngành thủy sản đã vươn lên trở thành ngành mũi nhọn trong nông nghiệp. Xuất khẩu thủy sản năm 2020 đạt gần 9 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2019 với nhiều mặt hàng phong phú. Tuy nhiên, các sản phẩm thủy sản được bảo hộ sở hữu trí tuệ còn hạn chế so với các nông sản khác. Cho đến nay, chỉ có một số sản phẩm thủy sản được bảo hộ như: ốc hương Khánh Hòa, tu hài, ngán Quảng Ninh, sá sùng Vân Đồn, nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết, nước mắm Nha Trang, mắm tôm Hậu Lộc, chả mực Hạ Long... Các sản phẩm được chế biến từ các loài nuôi chủ lực của Việt Nam như cá tra, tôm sú, tôm chân trắng, tôm hùm... vẫn chưa được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đây là 1 trong 6 điểm hạn chế trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Một số sản phẩm thủy sản đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ

     Các hộ sản xuất thủy sản nhỏ lẻ chưa nhận thức được đầy đủ giá trị của bảo hộ sở hữu trí tuệ do đó chưa quan tâm đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Các doanh nghiệp xuất khẩu khẩu thủy sản lớn mới chỉ tập trung xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm của doanh nghiệp, chưa quan tâm nhiều đến thương hiệu của sản phẩm quốc gia.

     Việc xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam luôn bị ảnh hưởng bởi các hàng rào kỹ thuật như truy xuất nguồn gốc, sự đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm. Nạn hàng giả ngày càng nhiều do tư thương hám lợi trà trộn hàng kém chất lượng làm giảm giá trị và uy tín của các sản phẩm...

     Hiện nay, ngành thủy sản Việt Nam đang ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất thủy sản (chọn giống, công nghệ nuôi và chế biến) theo hướng công nghiệp, cạnh tranh có lợi thế. Người dân sẽ phải bỏ dần các thói quen và kinh nghiệm truyền thống, do đó cách tiếp cận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp cần phải xem xét lại.

     Nhu cầu bảo hộ

     Thủy sản Việt Nam có rất nhiều sản phẩm đặc thù như: Cá tra, tôm sú, cá ngừ, bạch tuộc, ốc hương, sò điệp..., với công nghiệp chế biến hiện đại phục vụ cho xuất khẩu, tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, đòi hỏi của người tiêu dùng trong và ngoài nước ngày càng cao, đặc biệt là yêu cầu về bảo đảm kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, vệ sinh, an toàn thực phẩm và được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Hiện nay, gần 90% sản phẩm nông sản Việt Nam chưa được bảo hộ, bao gồm cả sản phẩm thủy sản xuất khẩu dưới dạng nhãn hiệu của nước ngoài. Một số thương hiệu Việt Nam bị lạm dụng hoặc chiếm đoạt ở nước ngoài. Điển hình như vụ nước mắm Phú Quốc phải mất nhiều thời gian, chi phí mới đòi lại được. Do đó, việc bảo hộ sở hữu trí tuệ các sản phẩm thủy sản là rất cần thiết và cấp bách.

     Để ngành thủy sản nước ta phát triển bền vững và khẳng định vị thế trên thị trường thế giới, trong thời gian tới, các cơ quan hữu quan, địa phương cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ, tăng cường bảo hộ các sản phẩm chế biến từ thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm quốc gia như cá tra, tôm sú và tôm chân trắng. Đồng thời, cần có các cuộc hội thảo hướng dẫn hoặc hỗ trợ bảo hộ tài sản trí tuệ cho các sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần có các dự án, mô hình mẫu về kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp nói chung, trong lĩnh vực thủy sản được bảo hộ sở hữu trí tuệ nói riêng. Thực hiện việc này, chúng ta nên mời các tổ chức chứng nhận, tổ chức kiểm soát, tư vấn về chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản; tham gia hội đồng đặt hàng dự án để đảm bảo lồng ghép các yêu cầu về vấn đề kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản trong khuôn khổ các dự án. Ngoài ra, cần nghiên cứu thực hiện xác lập nhãn hiệu chứng nhận quốc gia về vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm thủy sản xuất khẩu.

Theo: PGS.TS Thái Thanh Bình

Trường Cao đẳng Kinh tế, kỹ thuật và thủy sản

Nguồn: Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam

 

 

Đối tác của chúng tôi