Những thay đổi của pháp luật hình sự về thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

Những thay đổi của pháp luật hình sự về thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

Categories Bản tin

Theo quy định hiện hành, các biện pháp thực thi quyền Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam bao gồm (Điều 199 Luật Sở hữu trí tuệ):

  • Biện pháp Dân sự; và
  • Biện pháp Hành chính; hoặc
  • Biện pháp Hình sự

Như vậy, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi xâm phạm, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Biện pháp hình sự được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự và văn bản hướng dẫn thi hành. Trong khuôn khổ phạm vi bài viết này, tác giả tập trung chủ yếu vào các thay đổi quan trọng trong quy định của Bộ luật Hình sự 1999 cho đến Bộ luật Hình sự hiện hành 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

1. Xét về đối tượng quyền sở hữu trí tuệ

Bộ luật Hình sự 1999 quy định tại Điều 131 về Tội xâm phạm quyền tác giả và tại Điều 171 về Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, cụ thể:

Đối với lĩnh vực bản quyền, các quyền tác giả và quyền liên quan có sự hạn chế nhất định về  phạm vi điều chỉnh bằng cách điều luật chỉ liệt kê tên một số đối tượng thuộc quyền tác giả, quyền liên quan có thể trở thành đối tượng bị xâm hại bởi hành vi tội phạm như: “Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình; Mạo danh tác giả trên tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình…

Đối với lĩnh vực các quyền sở hữu công nghiệp, điều luật có quy định phạm vi đối tượng quyền sở hữu công nghiệp rất rộng như sau: “Người nào vì mục đích kinh doanh mà chiếm đoạt, sử dụng bất hợp pháp sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi, xuất xứ hàng hoá hoặc các đối tượng sở hữu công nghiệp khác đang được bảo hộ tại Việt Nam…”

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2009, tại Điều 170a về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan quy định: Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà thực hiện một trong các hành vi: “Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình; Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình….”. Như vậy, về mặt hình thức, tên điều luật đã có sự thay đổi theo hướng bao quát hơn so với BLHS 1999; và về mặt nội dung, thì các đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan cũng được mở rộng và mang tính khái quát hơn.

Tại Điều 171 về Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp quy định: “Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại…”. Như vậy, so với BLHS 1999, Luật sửa đổi năm 2009 đã thu hẹp rất nhiều phạm vi đối tượng quyền sở hữu công nghiệp có thể bị xâm hại bởi hành vi vi phạm – tội phạm; chỉ còn duy nhất hai đối tượng là nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý được nhà nước thừa nhận và bảo vệ bằng biện pháp hình sự.

Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, về các quyền tác giả, quyền liên quan có thể thấy vẫn được kế thừa quy định bằng việc khẳng định các đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan được bảo vệ bằng biện pháp hình sự gồm: “tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình” (Điểm 52 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2017 sửa đổi, bổ sung Điều 225 của Bộ luật Hình sự 2015).

Điểm 53 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2017, sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 226 của Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau: “Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại…”.Có thể thấy, phạm vi đối tượng quyền sở hữu công nghiệp được bảo vệ bằng biện pháp hình sự tiếp tục được giới hạn và thu hẹp lại so với quy định trước đây.

Theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành nói trên, chỉ có đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, giả mạo chỉ dẫn địa lý, mà không phải mọi đối tượng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý mới có thể bị xử lý bằng biện pháp hình sự. Cần lưu ý là, hàng hóa giả mạo tức là hàng hóa (sản phẩm, dịch vụ) mang dấu hiệu TRÙNG hoặc KHÓ phân biệt về tổng thể cấu tạo và cách trình bày so với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ; nghĩa là mức độ tương tự giữa dấu hiệu vi phạm so với nhãn hiệu/chỉ dẫn địa lý ở mức độ cao hơn so với trường hợp xâm phạm quyền thông thường (tương tự gây nhầm lẫn).

2. Xét yếu tố cấu thành cơ bản của tội phạm

Xem xét hành vi khách quan của tội phạm theo Bộ luật Hình sự 1999, tại Điều 131, thấy rằng điều luật liệt kê 04 dạng hành vi là: Chiếm đoạt quyền tác giả, quyền liên quan; Mạo danh tác giả, chủ thể quyền liên quan; Sửa đổi bất hợp pháp nội dung của tác phẩm, quyền liên quan; và Công bố, phổ biến bất hợp pháp tác phẩm, quyền liên quan. Tuy nhiên, thực tiễn đã cho thấy các hành vi được luật định nói trên không mang tính phổ biến (hành vi chiếm đoạt), và chủ yếu đề cao việc bảo vệ các quyền nhân thân (hành vi mạo danh, hành vi sửa đổi tác phẩm…) và do đó không phải là nội dung chính, quan trọng đối với chủ thể quyền và xã hội trong thể chế bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan.

Điều 131 Bộ luật Hình sự 1999 cũng quy định: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm…”

Như vậy, hậu quả của hành vi vi phạm là yếu tố bắt buộc phải xem xét đến để khẳng định một hành vi vi phạm đã cấu thành tội phạm hay chưa, tức là hậu quả đó phải là NGHIÊM TRỌNG.

Tại Điều 171 Bộ luật Hình sự 1999 về Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp quy địnhNgười nào vì mục đích kinh doanh mà chiếm đoạt, sử dụng bất hợp pháp sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi, xuất xứ hàng hoá hoặc các đối tượng sở hữu công nghiệp khác đang được bảo hộ tại Việt Nam gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm…”

Tương tự như đối với Tội xâm phạm quyền tác giả, điều luật cũng ghi nhận bắt buộc yếu tố thuộc mặt khách quan của tội phạm đó là: “Gây hậu quả nghiêm trọng” trong cấu thành cơ bản. Thêm nữa, yếu tố “mục đích” thuộc mặt chủ quan của tội phạm cũng được quy định là yêu tố bắt buộc phải có trong cấu thành cơ bản.

Qua thực tiễn thi hành, Bộ luật Hình sự 1999 đã bộc lộ bất cập và gây nên trở ngại vô cùng lớn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, đó là việc xác định như thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng? như thế nào là vì mục đích kinh doanh?

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2009 đã thay cụm từ “gây hậu quả nghiêm trọng” bằng một khái niệm mới với quy mô thương mại”, cụ thể như sau: “Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm…” (Điều 170a về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan).

Tại Điều 171 về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp quy định: “Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm”.

Với thay đổi này, thực tế đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật bởi không có sự giải thích chính thức hoặc hướng dẫn áp dụng như thế nào thì được coi là “với quy mô thương mại”? Hầu như rất ít vụ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được đưa ra khởi tố, truy tố và xét xử do vướng phải quy định chung chung mang tính định tính này.

Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã khắc phục hạn chế của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2009 bằng quy định mới mang tính định lượng rõ ràng hơn đó là:

Khoản 1 Điều 225 về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan quy định: Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.

Khoản 1 Điều 226 về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp quy định: “Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”

Có thể thấy, mặc dù đã có sự thay đổi lớn từ quy định mang tính định tính bằng các quy định định lượng cụ thể, rõ ràng nhưng theo quy định hiện hành, Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 vẫn đồng thời ghi nhận yếu tố “với quy mô thương mại” trong cấu thành cơ bản của tội phạm nhằm phù hợp với các cam, kết quốc tế.

  • Về chủ thể của tội phạm

Bộ luật Hình sự 1999 tại Điều 170 về Tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp quy định: Người nào có thẩm quyền trong việc cấp văn bằng bảo hộ mà vi phạm quy định của pháp luật về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…”

Với quy định này, chủ thể của tội phạm liên quan đến các đối quyền sở hữu công nghiệp được xác lập quyền thông qua thủ tục đăng ký như: Sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp…có thể là cán bộ, công chức, viên chức của Cục Sở hữu trí tuệ có vi phạm trong việc thẩm định để cấp/không cấp văn bằng bảo hộ. Thực tiễn chứng minh quy định này không phù hợp và thiếu tính khả thi nên thực tế không có vụ việc nào bị xử lý về hình sự xảy ra.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2009 đã loại bỏ quy định tại Điều 170 của Bộ luật Hình sự 1999.

Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 tại Điều 225 về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và tại Điều 226 về Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, lần đầu tiên PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI được đưa vào pháp luật hình sự Việt Nam với tư cách là chủ thể của tội phạm.

Khoản 4 Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “a)Pháp nhân thương mại thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đ bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đ bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm; c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

 Khoản 4 Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “a)Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đ bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng; b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm; c)Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Vấn đề xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại đã được áp dụng từ lâu tại nhiều quốc gia trên thế giới (Anh: 1915, Mỹ 1983), tuy nhiên ở Việt Nam, để phù hợp với trình độ phát triển kinh tế xã hội và thực tiễn đấu tranh đối với loại hành vi vi phạm của các pháp nhân thương mại trong thời gian gần đây đối với một số nhóm lĩnh vực nóng, điển hình như: môi trường; bảo hiểm xã hội, quyền sở hữu trí tuệ…cho đến Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 nhà nước mới chính thức ghi nhận trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ../.

Phòng Thực thi quyền SHTT

Công ty Sở hữu công nghiệp INVESTIP

Đối tác của chúng tôi