Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

Categories Bản tin

Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam, BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã ban hành những quy định về trách nhiệm hình sự (TNHS) của “pháp nhân thương mại” đối với một số tội phạm, trong đó có tội phạm liên quan đến các quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Điều này đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về xử lý, phòng chống tội phạm trong tình hình hiện nay, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.

I. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

1. Lịch sử và lý do thực tiễn cho việc xây dựng chế định TNHS của pháp nhân:

Theo quan niệm truyền thống, tội phạm, xét về mặt khách quan, là hành vi của con người có mức độ nguy hiểm đáng kể cho xã hội; xét về mặt chủ quan, là nhận thức, ý thức và thái độ chủ quan (yếu tố lỗi) của người phạm tội đối với hành vi của mình. Chính vì vậy, pháp luật hình sự Việt Nam trước đây tuân thủ nguyên tắc cá thể hóa TNHS và chỉ truy tố TNHS đối với cá nhân (con người tự nhiên). Pháp nhân do con người lập ra và hoạt động của pháp nhân cũng do những con người cụ thể quyết định, do vậy, pháp nhân theo nghĩa chung không thể và không bao giờ có lỗi.

Song, đó chỉ là quan niệm truyền thống, vấn đề TNHS của pháp nhân thương mại lần đầu tiên được nhắc đến tại Anh vào năm 1915[1] và tại Mỹ vào năm 1983[2]. Hiện nay, việc xử lý hình sự pháp nhân thương mại đã được hệ thống pháp luật của 119 quốc gia trên thế giới quy định và áp dụng, như: Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Australia, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Phần Lan, Vương quốc Bỉ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Slovakia, Hungari, Lavia, Estonia, Croatia, … và 06 quốc gia thuộc khối ASEAN, gồm: Singapore, Malaixia, Thái Lan, Philippine, Indonexia và Campuchia. Đặc biệt, Trung Quốc là quốc gia có nhiều nét tương đồng về truyền thống lập pháp với Việt Nam cũng đã có quy định TNHS đối với pháp nhân thương mại[3].

Các lý do thực tiễn cho việc quy định về TNHS của pháp nhân thương mại có thể kể đến, bao gồm:

- Thứ nhất, nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn xử lý vi phạm của pháp nhân thương mại hiện nay, nhất là các vi phạm gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, môi trường và sức khỏe cộng đồng. Thật vậy, nhiều hành vi vi phạm được thực hiện dưới danh nghĩa pháp nhân, nhằm trốn tránh trách nhiệm. Một số ví dụ điển hình cho pháp nhân thương mại vi phạm là vụ Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh-FHS có hành vi hủy hoại môi trường biển Việt Nam, bằng việc xả chất thải có chứa độc tố là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy hay vụ công ty VN Pharma nhập khẩu thuốc H - Capita 500mg Caplet trị ung thư giả mạo, đe dọa tới tính mạng của người dân sử dụng thuốc.

- Thứ hai, cơ chế xử phạt vi phạm hành chính áp dụng đối với pháp nhân thương mại vi phạm tỏ ra bất cập, kém hiệu quả.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy chế tài xử phạt hành chính theo Luật xử lý vi phạm hành chính vừa thiếu tính răn đe lại vừa không đầy đủ. Theo đó, Luật xử lý vi phạm hành chính cho phép các cơ quan chức năng áp dụng phạt tối đa đối với pháp nhân có hành vi vi phạm nặng nhất không vượt quá hai tỷ đồng, trong khi đó hậu quả do hành vi vi phạm của pháp nhân gây ra trong nhiều trường hợp là đặc biệt nghiêm trọng. Với mức phạt hiện hành, theo ý kiến của một số chuyên gia, nhiều doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp có quy mô lớn như: các tập đoàn kinh tế, công ty liên doanh, các công ty đa quốc gia, các hãng vận tải biển quốc tế có thể chấp nhận nộp phạt để tiếp tục vi phạm[4]. Hơn thế, mặc dù trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp hành chính nhanh và kịp thời, song vẫn có hạn chế là thiếu tính chuyên nghiệp, minh bạch trong việc xác minh hành vi vi phạm, mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm của pháp nhân thương mại gây ra và mức xử phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại.

- Thứ ba, cơ chế bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự vẫn tồn tại bất cập khi quy định người bị thiệt hại phải tự chứng minh mức độ thiệt hại và nếu khởi kiện đòi bồi thường, người bị thiệt hại ban đầu cũng cần phải nộp một mức án phí dân sự rất lớn. Điều này gây nhiều cản trở cho người dân trong việc đòi bồi thường thiệt hại bởi trước hành vi vi phạm của pháp nhân, người dân vừa là người bị thiệt hại lại vừa phải tự chứng minh thiệt hại trước khi đòi bồi thường. Trong khi đó, nếu coi pháp nhân là chủ thể của tội phạm thì việc chứng minh tội phạm và mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra thuộc trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, với một quy trình tố tụng chặt chẽ và công bằng.

- Thứ tư, thay đổi chính sách xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại là yêu cầu thiết yếu đặt ra theo xu thế hội nhập quốc tế. Việc bổ sung TNHS của pháp nhân thương mại thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế trong các Công ước mà Việt Nam là thành viên.

2. Loại pháp nhân phải chịu TNHS:

Ở Việt Nam, xuất phát từ đặc điểm tổ chức bộ máy Nhà nước và các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội hiện nay, phạm vi pháp nhân phải chịu TNHS được xác định:

- Thứ nhất, không coi các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, các tổ chức quần chúng, các hội nghề nghiệp là chủ thể của tội phạm. Bởi đây là các tổ chức, pháp nhân có sử dụng ngân sách Nhà nước cho hoạt động của mình. Trong khi hình phạt chính đối với pháp nhân là phạt tiền và đình chỉ hoạt động; các hình phạt bổ sung như tịch thu tài sản, cấm hoặc hạn chế hoạt động … đều không thể áp dụng và/hoặc không có ý nghĩa khi áp dụng đối với các chủ thể này.

Hơn nữa, các tổ chức này chủ yếu hoạt động trong phạm vi tổ chức, đoàn thể, ít tham gia hoạt động kinh tế, nên ít có khả năng thực hiện hành vi phạm tội trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường…

- Thứ hai, chỉ pháp nhân thương mại mới phải chịu TNHS. Tức là chỉ pháp nhân có thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại mới là chủ thể có thể bị truy cứu TNHS theo BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Điều này phản ánh sự thận trọng của các nhà lập pháp khi lần đầu tiên quy định TNHS của pháp nhân; đồng thời, cũng phản ánh thực trạng vi phạm của pháp nhân trong giai đoạn này chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế, môi trường, rửa tiền và tài trợ khủng bố.

3. Điều kiện chịu TNHS của pháp nhân thương mại (Khoản 1 Điều 75 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Trên cơ sở tham khảo pháp luật hình sự và thực tiễn áp dụng pháp luật một số nước, để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện của Việt Nam, Điều 75 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định 04 điều kiện pháp nhân thương mại phải chịu TNHS, trong đó 03 căn cứ đầu tiên là các căn cứ đặc thù khi xác định TNHS của pháp nhân, căn cứ cuối cùng là căn cứ chung áp dụng cho cả cá nhân và pháp nhân. Theo đó, một pháp nhân thương mại chỉ bị truy cứu TNHS khi hội tụ đủ 04 căn cứ sau đây:

- Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại

Để truy cứu TNHS đối với pháp nhân, điều đầu tiên người thực hiện hành vi phạm tội phải nhân danh pháp nhân, có nghĩa là dưới danh nghĩa của pháp nhân. Trường hợp thực hiện hành vi mang danh nghĩa của cá nhân thì không thể đặt vấn đề truy cứu TNHS đối với pháp nhân ngay cả khi họ là người đại diện hợp pháp của pháp nhân.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, người thực hiện hành vi nhân danh pháp nhân có thể là người lãnh đạo, người điều hành pháp nhân, người được pháp nhân ủy quyền.

- Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại

Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân là việc người đại diện thực hiện hành vi nhằm mang lại lợi ích chung cho pháp nhân, kể cả trong trường hợp lợi ích của pháp nhân không phải là duy nhất.

- Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại

Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân. Đây là căn cứ quan trọng để xác định một pháp nhân có bị truy cứu TNHS hay không. Nói cách khác, căn cứ này phản ánh dấu hiệu “lỗi” của pháp nhân thông qua việc đánh giá ý thức chủ quan của người đứng đầu, Ban lãnh đạo pháp nhân. Như vậy, pháp nhân chỉ phải chịu TNHS khi người đứng đầu pháp nhân hoặc Ban lãnh đạo của pháp nhân nhận thức rõ hành vi mà người đại diện thực hiện là trái pháp luật mà vẫn chỉ đạo, trực tiếp điều hành hoặc chấp thuận cho người đại diện thực hiện hành vi đó.

- Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.

Cũng giống như hành vi phạm tội của cá nhân, muốn truy cứu TNHS một người nào, thì hành vi đó phải còn thời hiệu truy cứu TNHS.

Như vậy, để truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại cần phải có đầy đủ 04 điều kiện như trên.

4. Các loại hình phạt đối với pháp nhân thương mại:

Dựa trên kinh nghiệm của các nước khác và thực tiễn pháp nhân thương mại phạm tội ở Việt Nam và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã quy định hai loại hình phạt là hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Cụ thể là:

+ Hình phạt chính: Khoản 1 Điều 33 BLHS quy định:

Hình phạt chính bao gồm:

a) Phạt tiền;

b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn;

c) Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn”.

+ Hình phạt bổ sung: Khoản 2 Điều 33 BLHS quy định: 

“Hình phạt bổ sung bao gồm:

a) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;

b) Cấm huy động vốn;

c) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính”.

Khoản 3 Điều 33 BLHS quy định: “Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung”.

Một trong những đặc điểm nổi bật trong quy định hình phạt đối với pháp nhân thương mại là các nhà làm luật “đánh mạnh” vào mặt kinh tế của pháp nhân, xuất phát từ mục đích chính của pháp nhân thương mại là hoạt động vì lợi nhuận, đây là yếu tố mang tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với sự tồn tại và phát triển của pháp nhân. Đồng thời, mặc dù những loại hình phạt mà BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định đối với pháp nhân thương mại, đã và đang được quy định là những hình thức xử lý vi phạm đối với pháp nhân thương mại trong những văn bản pháp luật xử phạt vi phạm hành chính năm 2012… và nhiều văn bản pháp luật khác; song, những hình thức xử lý này chưa đủ sức răn đe, chưa mang lại hiểu quả đấu tranh phòng ngừa cao đối với pháp nhân có hành vi vi phạm. Chính vì thế, dưới góc độ là những loại hình phạt do BLHS quy định, mang tính nghiêm khắc, cưỡng chế nhà nước cao nhất thì sẽ góp phần quan trọng vào quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm do pháp nhân gây ra một cách có hiệu quả.

II. TNHS của pháp nhân thương mại đối với các tội xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam

Tại Việt Nam, pháp nhân thương mại phải chịu TNHS về các tội xâm phạm quyền SHTT sau:

- Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 225 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017); và

- Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 226 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).

1. Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 225 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Hành vi xâm phạm là cố ý thực hiện các hành vi sau mà không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan:

(i) Sao chép tác phẩm, bản ghi hình; hoặc

(ii) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.

Như vậy, cần khẳng định rằng, hành vi vi phạm phải được thực hiện do lỗi cố ý sao chép hoặc phân phối tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình tới công chúng.

Theo quy định tại Điều 21 Nghị định 22/2018/NĐ-CP … “Quyền sao chép tác phẩm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 80 của Luật SHTT là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra bản sao tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử”.

Có thể thấy quy định mới này đã không giới hạn hình thức của bản sao tác phẩm (bất kỳ hình thức lưu trữ nào: tạm thời hay thường xuyên), khác với quy định tại Nghị định 100/2006/NĐ-CP khi “bản sao tạm thời” không thuộc độc quyền sao chép của chủ sở hữu quyền tác giả, nên hành vi tạo ra bản sao tạm thời không bị coi là xâm phạm quyền tác giả. Quy định này hoàn toàn phù hợp với thời kỳ cách mạng công nghệ số ngày càng phát triển.

2. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 226 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Liên quan tới xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, BLHS có quy định tội danh duy nhất tại Điều 226 – Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Hành vi xâm phạm: cố ý xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý.

Có thể thấy, so với BLHS năm 2015, BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã quy định giới hạn phạm vi đối tượng xâm phạm quyền: không phải bất kỳ hành vi xâm phạm nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý nào cũng có nguy cơ bị xử lý hình sự, mà phải có đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc giả mạo chỉ dẫn địa lý.

Theo Điều 213 Luật SHTT “Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu (bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý) là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý”.

3. Khái niệm “Quy mô thương mại” và mối quan hệ với các yếu tố cấu thành định lượng khác

Các hành vi nêu trên chỉ bị xử lý hình sự khi thỏa mãn các điều kiện sau:

(i) đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý (đối với tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp);

(ii) có quy mô thương mại; hoặc

(iii) thu lợi bất chính từ 200 triệu; hoặc

(iv) gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 300 triệu; hoặc

(v) hàng hóa vi phạm trị giá từ 300 triệu

Nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích thì điều kiện được hạ thấp, cụ thể là:

(i) thu lợi bất chính từ 100 triệu; hoặc

(ii) gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 100 triệu; hoặc

(iii) hàng hóa vi phạm giá trị từ 100 triệu.

BLHS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã bổ sung thêm điều kiện “quy mô thương mại” bên cạnh các quy định mang tính định lượng rõ ràng đã được thêm vào trước đó. Tuy nhiên, các nhà làm luật vẫn chỉ dừng lại ở việc nhắc tới khái niệm “quy mô thương mại” một cách chung chung.

Như vậy, mặc dù đã có sự thay đổi lớn từ quy định mang tính định tính bằng các quy định định lượng cụ thể, rõ ràng nhưng theo quy định hiện hành, BLHS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 vẫn đồng thời ghi nhận yếu tố “quy mô thương mại trong cấu thành cơ bản của tội phạm nhằm phù hợp với các cam, kết quốc tế, cụ thể là Điều 61 Hiệp định TRIPs: “Các Thành viên phải quy định việc áp dụng các thủ tục hình sự và các hình phạt để áp dụng ít nhất đối với các trường hợp cố tình giả mạo nhãn hiệu hàng hoá hoặc xâm phạm bản quyền với quy mô thương mại…”.

Một mặt, các yếu tố định lượng cụ thể, rõ ràng trong cấu thành cơ bản của tội phạm nói trên trong nhiều trường hợp sẽ tạo thuận lợi cho các cơ quan thực thi có thể dễ dàng xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã đủ cấu thành tội phạm và phải bị xử lý về hình sự hay chưa?

Mặt khác, sự tồn tại của yếu tố “quy mô thương mại trong cấu thành cơ bản có ý nghĩa lâu dài, thực hiện vai trò dự liệu cho việc vận dụng, áp dụng pháp luật hình sự trong thực thi quyền SHTT trong tương lai (mà không chỉ đơn thuần là sự hài hòa về hình thức đối với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên), đặc biệt là trong các trường hợp hành vi xâm phạm quyền SHTT mang tính phổ biến, tái phạm nhiều lần nhưng trị giá hàng vi phạm không cao, thiệt hại không đủ lớn để truy cứu trách nhiệm hình sự theo luật, chẳng hạn các trường hợp vi phạm quyền SHTT đối với sản phẩm tiêu dùng thiết yếu nhưng có trị giá thấp như: rau xanh, tăm tre, sản phẩm nông sản (không phải đặc sản), sản phẩm thủ công thông thường khác …

Theo tinh thần của Điều luật này, trong nhưng trường hợp như trên, thẩm phán, cơ quan thực thi pháp luật có thẩm quyền và trách nhiệm xem xét, đánh giá toàn diện vụ việc để xác định một hành vi xâm phạm quyền SHTT đã đáp ứng điều kiện “với quy mô thương mại” hay chưa?   

4. Một số lưu ý đối với pháp nhân thương mại với tư cách người sử dụng, khai thác quyền SHTT:

Với những quy định mới về truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại, các doanh nghiệp đã chính thức có thể trở thành tội phạm nếu thực hiện hành vi xâm phạm một số hành vi nhất định, khi đáp ứng đủ điều kiện. Trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có ý thức và dành nhiều sự quan tâm trong việc bảo vệ quyền SHTT của mình thông qua việc đăng ký bảo hộ. Tuy nhiên, việc nhận thức về những hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và quyền liên quan trong đó có bản quyền phần mềm vẫn chưa được các doanh nghiệp nhận thức đầy đủ[5].

Theo kết quả thanh tra bản quyền phần mềm năm 2017 của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, qua thanh tra 63 doanh nghiệp, kiểm tra 2.472 máy tính, đã phát hiện 54 doanh nghiệp có hành vi sao chép phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu, bị xử phạt 1,65 tỉ đồng. Riêng đầu năm 2018, tiếp tục tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quyền tác giả đối với chương trình phần mềm máy tính tại 26 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính 750 triệu đồng[6].

Với những hình phạt nghiêm khắc như được quy định tại BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đối với pháp nhân thương mại như phân tích ở trên, các lãnh đạo doanh nghiệp cần phải gấp rút rà soát lại tình hình sử dụng phần mềm tại doanh nghiệp mình, có hành động kịp thời để tránh những tổn thất nặng nề về uy tín, tài chính cũng như ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp khi các hành vi vi phạm bị cơ quan chức năng phát hiện.

Như vậy, bằng chế định truy cứu TNHS với những hình phạt nghiêm khắc mới mà BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 sẽ áp dụng đối với pháp nhân thương mại cố tình xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và quyền sở hữu công nghiệp đối như đã phân tích trên đây, người viết mong rằng tỷ lệ các vụ việc xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam, đặc biệt các hành vi xâm phạm do pháp nhân thương mại thực hiện sẽ có thể giảm xuống đáng kể, đảm bảo môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế./.

Phòng Thực thi quyền SHTT

Công ty Sở hữu công nghiệp INVESTIP

 



[1] Năm 1915: trong vụ Lennard’s Carrying Co., Ltd., Thượng Nghị viện Anh đưa ra nguyên tắc “the directing mind principle”. Theo nguyên tắc này, hành vi và trạng thái tâm lý của một số lãnh đạo cao cấp của một công ty (directing minds) được coi là hành vi và trạng thái tâm lý của một công ty.

[2] Năm 1983, trong vụ U.S. v Basic Construction Co., Tòa án Khu vực 4 tại Mỹ lập luận: “công ty có thể phải chịu trách nhiệm hình sự vì những vi phạm chống độc quyền do nhân viên của mình gây ra nếu họ đang hành động trong phạm vi quyền hạn của mình, hoặc vì lợi ích của công ty, kể cả … khi các hành động đó trái với chính sách công ty”.

[4] Pháp luật Việt Nam về trách nhiệm hình sự của pháp nhân http://www.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2219

 

Đối tác của chúng tôi